5 khía cạnh trải nghiệm người dùng của Jesse James Garrett

Garrett đã mang đến cho độc giả bức tranh toàn cảnh về quá trình phát triển trải nghiệm người dùng trên các nền tảng công nghệ điển hình.

5 khía cạnh trải nghiệm người dùng của Jesse James Garrett

Trải nghiệm người dùng được đề cập đến trong bài viết là trải nghiệm người dùng dành cho web. Tuy nhiên, người đọc có thể hiểu rộng ra bởi nó không chỉ chia sẻ việc “Làm sao để tạo ra một website hấp dẫn?” mà những kiến thức được nghiên cứu bài bản của Garrett còn mang đến cho độc giả bức tranh toàn cảnh về quá trình phát triển trải nghiệm người dùng trên các nền tảng công nghệ điển hình.

Khái niệm “thiết kế” được Jesse James Garrett nói đến không chỉ là quá trình đơn lẻ của một vài tác vụ lẻ tẻ như mã hoá hay đồ hoạ mà gồm nhiều quá trình lồng ghép trong nhau từ chiến lược, yêu cầu tổng thể đến kiến ​​trúc thông tin, thiết kế giao diện, bản sắc thương hiệu và trải nghiệm trực quan.

Core Content sẽ trình bày lại 5 khía cạnh trải nghiệm người dùng, kèm một vài giải thích giúp đơn giản hoá khái niệm từ nghiên cứu của Garrett. Bản tham khảo nguyên gốc sẽ được chia sẻ ở cuối bài viết để các bạn tham khảo, từ đó có được những góc nhìn và cách hiểu riêng.

Khía cạnh 1 - nhu cầu người dùng và mục tiêu trang web

Tên gọi của khái niệm gốc: User Need và Site Objectives.

Nhu cầu người dùng chính là các mục tiêu có nguồn gốc từ bên ngoài. Tạo ra những trải nghiệm phù hợp với nhu cầu người dùng chính là điều kiện căn bản nhất giúp website của bạn tạo được giá trị và có một chỗ đứng trên thị trường. Một website sẽ không có giá trị nếu người dùng cảm thấy nó không giúp ích được gì cho họ.

Mục tiêu trang web chính là các mục tiêu kinh doanh, sáng tạo, hoặc các mục tiêu riêng (mục tiêu bên trong) được chuyển mình qua các giai đoạn phát triển cụ thể của sản phẩm. Bạn có thể hiểu đơn giản, ở khía cạnh này, website không phải là mục tiêu cuối cùng trong quá trình hoàn thiện sản phẩm.

Theo Garrett, để đạt được khía cạnh thứ nhất, bạn cần thực hiện các nghiên cứu người dùng, nghiên cứu sắc tộc, kỹ thuật, công nghệ, tâm lý học, v.v..

Khía cạnh 2 - nhu cầu tối ưu bộ tính năng và nội dung

Tên gọi của khái niệm gốc: Functional Specifications và Content Requirements.

Tối ưu bộ tính năng chính là các mô tả chi tiết về chức năng mà website bao gồm và qua đó đáp ứng nhu cầu của người dùng như nó cam kết. Hiểu đơn giản, đây chính là hệ thống “Categories” (hạng mục) của một website gồm khái niệm và các yếu tố cấu thành nó.

Yêu cầu về nội dung chính là cách mà bạn định nghĩa các yếu tố cần có trong từng hạng mục để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Nó là tổng thể của hệ thống bài viết, thông tin, hình ảnh, âm thanh, v.v.. mà qua đó bạn dự định sẽ dùng để truyền tải đến khán giả của mình.

Theo Garrett, để đạt được khía cạnh thứ hai, bạn cần bắt tay nghiên cứu để có được kinh nghiệm riêng, tối ưu nó trong các quy trình riêng gọi là năng lực chuyên môn.

Khía cạnh 3 - Thiết kế tương tác và cấu trúc luồng thông tin

Tên gọi của khái niệm gốc: Interaction Design và Information Architecture.

Thiết kế tương tác là cách mà bạn phát triển các hệ thống thao tác mở rộng (click, chạm, xem thêm, chuyển tới v.v..) theo đúng luồng tương tác thông thường của người dùng giúp hỗ trợ tối ưu mục đích cần đạt được của họ tại website của bạn. Với những yêu cầu muốn “hiểu sâu” hơn, bạn cần hỗ trợ chuyển người dùng đến những nơi phù hợp hơn - dù chúng nằm bên ngoài website của bạn.

Cấu trúc luồng thông tin là cách mà bạn thiết kế không gian trải nghiệm thông tin tại website để tạo điều kiện cho người dùng truy cập trực quan vào từng nội dung quan trọng nhất. Nó là cách mà bạn kể chuyện thông qua tất cả các yếu tố, bao gồm cả những yếu tố “siêu văn bản” như cảm xúc, cảm giác, ý ức, biểu tượng, v.v..

Theo Garrett, để đạt được khía cạnh thứ ba bạn cần hiểu cách điều hướng và phân luồng thông tin trong tâm trí người dùng.

Khía cạnh 4 - Ba trong Một: Thông tin - Giao diện - Điều hướng

Tên gọi của khái niệm gốc: Information Design, Interface Design và Navigation Design.

Đây là một bước nhảy rất quan trọng, hoặc là bạn đạt được cả ba trong một - hoặc không gì cả (tức bạn vẫn ở khía cạnh thứ 3 và không đạt được mức độ thứ 4 mà Garrett đề cập).

  • Thiết kế giao diện: thiết kế các yếu tố thuộc về giao diện sử dụng để hỗ trợ người dùng tương tác với toàn bộ tính năng quan trọng của website.
  • Thiết kế điều hướng: thiết kế các thành phần giao diện trong luồng để tạo điều kiện cho người dùng di chuyển và hoàn thành tác vụ thông tin.
  • Thiết kế thông tin: thiết kế cách trình bày thông tin để tạo điều kiện tốt nhất giúp người đọc từng bước đạt được trọn vẹn những hiểu biết, kiến thức mà thông tin hứa hẹn mang lại cho họ.

Hiểu đơn giản, để đạt được khía cạnh thứ tư bạn cần dốc hết sức giúp đỡ người dùng đạt được mục tiêu riêng của họ.

Khía cạnh 5 - Trực quan sinh động

Tên gọi của khái niệm gốc: Visual Design.

Đây là cách mà bạn xử lý tổng hòa các thành phần trong giao diện một cách sinh động nhằm giúp người dùng đạt được cả khâu “nhìn” lẫn “cảm nhận” - gần như ngay lập tức. Hiểu đơn giản là quá trình “truyền đạt một lần - hiểu ngay ý nghĩa” mà không cần phải là “chuyên gia” thì mới hiểu được kiến thức đó. Vì thế, đây là một bước cực kỳ khó đối với bất kỳ nhà sáng tạo nội dung nào.

Để đạt được khía cạnh thứ năm, bạn cần có trải nghiệm - chính là thứ mà Jesse James Garrett đề cập trong toàn bộ cuốn sách của mình. Và có lẽ, không nhiều người như Garrett có thể làm tốt được khía cạnh thứ 5 này.

Bạn có thể đọc nhanh toàn bộ sơ đồ tóm tắt 5 khía cạnh trải nghiệm người dùng của Jesse James Garrett.

Cuốn sách của Garrett có tên gọi: “The Elements of User Experience: User-Centered Design for the Web” được bày bán rộng rãi, bạn có thể tìm mua chúng trên mạng một cách dễ dàng.

💡
Để trao đổi với người viết, mời bạn comment trực tiếp hoặc email về hộp thư: corecontent.net@gmail.com