Ý tưởng là gì? 4 bước tạo ra ý tưởng

Ý tưởng là kết quả của một chuỗi dài các quá trình tái tạo chưa từng thấy diễn ra bên dưới bề mặt của tâm trí có ý thức.

Ý tưởng là gì? 4 bước tạo ra ý tưởng

Con người cần ý tưởng như cây cần nước. Không thể hình dung được cuộc sống con người sẽ phát triển như thế nào nếu không có các ý tưởng. Nếu tư tưởng là tương lai của nhân loại thì ý tưởng có thể xem là một cấp độ thấp hơn của tư tưởng mà đặc thù giá trị của nó nằm ở tính hữu ích, hữu dụng.

Ý tưởng là gì?

Năm 1940, James Webb Young trong cuốn sách “A Technique for Producing Ideas” (Kỹ thuật sản xuất ý tưởng) đã định nghĩa: ý tưởng là kết quả của một chuỗi dài các quá trình tái tạo chưa từng thấy diễn ra bên dưới bề mặt của tâm trí có ý thức.

Xét cho cùng, ý tưởng cũng là một ý niệm phát sinh trong đầu, được chủ thể nắm bắt trong một quá trình và mô tả lại được chúng một cách hoàn chỉnh (dựa trên quan điểm ngôn ngữ học cấu trúc Saussure).

Về mặt tâm lý, ý tưởng là kết quả của quá trình tự nhận thức, nó là sự nhận biết về một vấn đề bằng trực giác nhạy bén. Cũng có thể xem ý tưởng là quá trình hiện thực hoá một nhu cầu phát sinh từ bên trong.

Cuối cùng, đứng trên quan điểm kinh doanh, ý tưởng là những nguyên tắc mới có khả năng sẽ xuất hiện trên thị trường dẫn đến các quy tắc chơi mới và sự hiểu biết mới của người tiêu dùng về những gì được mong đợi.

Tạo sao chúng ta cần ý tưởng?

“Yếu tố kích hoạt quy trình là một ý tưởng mới” (Cooper)

Chúng ta luôn cần những yếu tố kích hoạt giúp tiến lên. Cho dù bạn làm trong lĩnh vực nào thì ý tưởng đều không thể thiếu vì nó giúp thúc đẩy một tiến trình nhận thức mới của bạn, giúp bạn thay đổi - hoặc ít nhất có cảm giác mình đang thay đổi, không bị đứng yên hay tụt hậu.

Tại sao doanh nghiệp cần ý tưởng?

Không có ý tưởng, doanh nghiệp không phát triển đường hướng tương lai được, ý tưởng là tầm nhìn của doanh nghiệp được hiện thực hóa trong các sản phẩm cốt lõi. Ý tưởng được ví như những mạch nước không ngừng tuôn chảy, đem sức sống và lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Không có ý tưởng, không có kế hoạch kinh doanh. Ý tưởng giúp hoài thai sản phẩm trong một loại giai đoạn trước khi ra đời; và giúp sản phẩm được nuôi sống liên tục trong giai đoạn sau đó.

Không có ý tưởng, không có sản phẩm. Ý tưởng là nơi các câu hỏi “what” và “why” được hỏi và trả lời liên tục trong những bản kế hoạch; nhưng chỉ những xác thực chi tiết nhất về “what” - tức những bản kế hoạch được mô tả logic nhất và khả thi nhất - mới được chuyển thành sản phẩm.

Không có ý tưởng, không có giải pháp mới cho người tiêu dùng của bạn. Sản phẩm giúp duy trì sức hấp dẫn của doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng. Mà người tiêu dùng lại cực kỳ khó tính và là một biến số cần được dự đoán liên tục: họ cần một giải pháp kỹ thuật mới, họ cần một sản phẩm khác biệt, họ cũng cần một sản phẩm quen thuộc, đôi lúc họ lại cần một số tính năng giúp đột phá, v.v.. Nói cách khác, họ cần nhiều hơn nữa những ý tưởng.

Ý tưởng có tiến trình tạo ra nó không?

Có thể bạn nghĩ là không, nhưng sự thực là có! Ý tưởng cũng có xuất thân, nguyên tắc và khuôn khổ. Young đã giúp cụ thể hoá quy trình tìm kiếm ý tưởng trong cuốn sách Kỹ thuật sản xuất ý tưởng của mình. Đây không phải là cuốn sách duy nhất và có sự lý giải ý tưởng nguyên bản nhất, tuy nhiên nó lại là một cuốn sách vô cùng dễ đọc, dễ hiểu cho những người làm công việc sáng tạo nội dung.

Bốn bước trong tiến trình này được Young mô tả tóm gọn như sau:

  • Thu thập nguyên liệu thô (Gathering raw material): duy trì thói quen tìm hiểu thông tin từ các nguồn khác nhau để tạo ra một “kho” ý tưởng được gieo mầm sẵn, chờ cơ hội sử dụng.
  • Tiêu hóa nguyên vật liệu (Digesting the material): tổng hợp, so sánh, đối chiếu - gọi chung là phân tích các nguyên vật liệu trong các mối liên hệ và tương quan để rút ra những suy luận mang tính hợp lý nhất và thú vị nhất - gọi là dự đoán.
  • Xử lý vô thức (Unconscious Processing): hãy ngừng mọi nỗ lực tập hợp những ý tưởng đó lại với nhau “ngay lập tức”. Thay vào đó, quay sang làm một việc khác - nghe nhạc, chạy bộ hoặc xem phim - bất cứ điều gì khiến bạn không thể quên được quá trình này nhưng phải tạm “tắt chúng”.
  • Khoảnh khắc "eureka" (The "eureka" moment): Một ý tưởng sẽ nảy ra trong đầu bạn vào thời điểm bạn ít mong đợi nhất. Điều này hệt như nhà toán học người Hy Lạp Archimedes đã có khoảnh khắc xuất thần trong bồn tắm.

Các bạn có thể đọc thêm các bài cùng thể loại trong chuyên mục chuyên mục Content Ideas.

💡
Để tương tác với người viết, mời bạn comment trực tiếp ngay bên dưới hoặc email về hộp thư: corecontent.net@gmail.com