Tối ưu hoá sản phẩm là gì?

Tối ưu hoá là cách khiến vòng đời một sản phẩm được kéo dài, thậm chí nếu bạn làm tốt sẽ có khả năng cho ra đời một dòng sản phẩm mới.


Tối ưu hóa là gì?

Tối ưu hoá là biến hoá và thay đổi một vài điểm mấu chốt ở bên trong hoặc bên ngoài sản phẩm đang có để sản phẩm đó được phát huy hết tính năng của nó.

Tối ưu hoá cũng là cách một sản phẩm cho thấy sự thích nghi và biến đổi của nó qua thời gian so với bản thiết kế đầu tiên vào những ngày đầu ra mắt. 

Tối ưu hóa cũng là một hình thức sáng tạo

Tối ưu hóa là một quá trình sáng tạo “cùng với” người tiêu dùng và người đang sử dụng sản phẩm của bạn. Nó là một quá trình hai chiều. 

Khác với sáng tạo kiểu “thai nghén” để cho ra đời một sản phẩm hoàn toàn mang dấu ấn cá nhân của người tạo ra nó, tối ưu hóa mang dấu ấn của người dùng nhiều hơn, vì người dùng nhiều hơn. Nó gần như một quá trình tất yếu phải xảy ra trước sức mạnh của thời gian và sức nóng của thị trường - nơi người dùng không ngừng thay đổi hành vi và sở thích tiêu dùng của họ. 

Tốc độ tối ưu hoá cũng nhanh hệt như tốc độ công nghiệp hoá, và thậm chí người ta còn thấy tối ưu hoá một sản phẩm khó hơn cả cho ra đời một dòng sản phẩm mới. Bởi vì nếu bạn hiểu sản phẩm của bạn thôi vẫn chưa đủ, bạn phải hiểu người dùng - Và ngược lại, bạn hiểu thị trường thôi vẫn chưa đủ, bạn phải hiểu chính sản phẩm của bạn.

Hai hình thức cơ bản nhất và khó nhất của tối ưu hoá sản phẩm

1 - Mở rộng tính năng mạnh

Bạn chọn một tính năng (thường là mạnh nhất) của sản phẩm để giúp người tiêu dùng tích cực giải quyết nhu cầu nâng cao của họ và những khách hàng trung thành mở rộng phạm vi sử dụng sang một dòng sản phẩm cụ thể. Tại sao phải là tính năng mạnh nhất? Bởi vì nó cho thấy mức độ chuyên biệt trong sản phẩm bạn bán trên thị trường dựa trên việc thương hiệu quan tâm đến trải nghiệm khách hàng theo thời gian; đồng thời cho thấy tiềm năng mở rộng trong chính tự thân sản phẩm. Chính những điều này góp phần tạo ra sự khác biệt và thu hút người dùng, nó luôn đem đến cho khách hàng sự yên tâm.

2 - Cải tiến tính năng yếu

Tính năng yếu là tính năng quan trọng trong sản phẩm (không phải là tính năng phụ trợ) nhưng không được đánh giá cao. Ví dụ: bạn ra mắt dòng son dưỡng nhưng lại gây khô môi thì đây là tính năng yếu của sản phẩm; còn khi bạn ra mắt dòng son dưỡng nhưng quá ít màu để chọn (kém đa dạng) hoặc lên màu kém (màu không chuẩn) thì đây không phải là tính năng yếu của sản phẩm.

Nếu không phải là tính năng yếu, bạn chỉ cần theo dõi nhu cầu khách hàng để “tăng cường” hoặc “giảm bớt” là đủ. Còn nếu là tính năng yếu, bạn thường phải chọn những giải pháp thiên về “loại bỏ” hoặc phải thay một "bộ lọc" mới (ví dụ nhập về một dòng máy tân tiến khắc phục được một trong những khâu khiến sản phẩm kém chất lượng). Tính năng yếu thường là tính năng không thể hoặc khó thay đổi theo chiều hướng tăng hoặc giảm.

Để hiểu rõ hơn về cách làm mới sản phẩm cũ, các bạn hãy theo dõi câu chuyện của cây son môi Ruby (series gồm 4 tập, mỗi tập gồm 4 phương án làm mới lại son môi Ruby) được Core Content chia sẻ tại kênh YouTube trong chuyên mục Idea Flow nhé.