Storytelling là gì? 4 phép màu nó tạo ra trong marketing

Storytelling - Con người muốn bị thu hút, khao khát được dẫn dắt và thích trải nghiệm thật nhưng con người cũng sợ tất cả những điều này. Vì thế, họ cần một câu chuyện có ý nghĩa để thông qua nó, tham gia vào hành trình trải nghiệm một cách hào hứng.

Thương hiệu nào duy trì được những câu chuyện truyền tải lại, thương hiệu đó có sức mạnh thu hút. Storytelling giúp sự kết nối được diễn ra một cách tự nhiên thoải mái, tại đó dòng cảm xúc được tuôn chảy, sự buồn tẻ được khai thông, những bí ẩn được sáng tỏ.

Bài viết này sẽ giới thiệu và làm rõ khái niệm Storytelling ở một số lĩnh vực mà sự tham gia của nghệ thuật kể chuyện đóng vai trò quan trọng. Đồng thời, cũng nêu ra 4 lý do chúng ta cần một Storytelling để tạo ra phép màu trong Marketing.

Storytelling là gì?

Biến khán giả là "người hùng" trong câu chuyện bạn kể

Storytelling là nghệ thuật kể chuyện dẫn khán giả hoặc đối tượng vào thông điệp cốt lõi thông qua một quá trình khơi gợi sự liên tưởng giữa nhu cầu tiềm ẩn và yếu tố được dự đoán sẽ gây ra cảm xúc ở người nghe, đọc hoặc người trực tiếp tham gia.

Tại sao cần Storytelling trong Marketing?

Có thể nói rằng không ở đâu mà nghệ thuật kể chuyện lại sôi động như lĩnh vực marketing. Các sản phẩm và dịch vụ mới ra đời mỗi ngày, nền tảng chứa chúng thì đã phát triển ngày càng tiệm cận hơn với người dùng thật. Một bên là sản phẩm phong phú, một bên là môi trường thuận lợi, cả hai giúp Storytelling phát huy sức mạnh của mình hơn bao giờ hết.

Nếu không có Storytelling, sản phẩm một bên - người dùng một bên và không thể gắn kết được với nhau. Storytelling tạo ra cảm xúc và nó là thứ giúp người ta ghi nhớ ấn tượng về sản phẩm một cách rất chặt chẽ, tự nhiên.

1 - Storytelling giúp đánh thức “người dùng” đang say ngủ

Không ai bỗng dưng “rút hầu bao” hoặc dành thời quý giá cho một sản phẩm nếu không xuất phát từ nhu cầu cá nhân. Thế nhưng nghịch lý là sự đủ đầy khiến nhu cầu đó đang ngày càng khó nhận ra, và mấu chốt là ngay cả người mua cũng không thể nhận ra nhu cầu của chính họ dưới dạng một sản phẩm cần thiết nữa.

“Thật ra điều tôi muốn là gì?” - Đó là câu hỏi lớn của người mua thời hiện đại. Họ thấy thiếu thốn nhưng họ không biết thứ họ thiếu là gì cho đến khi có một câu chuyện đánh thức được con người “đang say ngủ” trong họ. Họ thức giấc, thấy thế giới thật thú vị ở một khía cạnh nào đó; còn mình thật mạnh mẽ và thông minh hoặc thật yếu đuối và ngốc nghếch. Và dù thế nào đi chăng nữa, điều đó cũng thúc đẩy họ hành động.

2 - Storytelling biến các thông điệp thành cảm xúc và giữ lại trong tim khách hàng

Bộ não con người không thể ghi nhớ mọi chi tiết. Đối với các thông điệp marketing nếu chỉ được truyền tải theo cách thông thường, sự ghi nhớ càng khó khăn vì sự chọn lọc chú ý của não sẽ khiến những thông tin này bị loại bỏ trước khi có cơ hội được nhận biết.

Thông qua một câu chuyện được kể đúng nghệ thuật, cảm xúc được phát sinh cùng lúc với thông điệp và chúng sẽ được não ghi nhớ dễ dàng. Chúng tạo ra một đường dây liên kết tự nhiên giữa người mua và sản phẩm qua cảm xúc được lưu giữ.

Ví dụ về đường dẫn này, hãng X ra mắt nước uống thảo mộc vị cỏ ngọt Y. Họ muốn kể một câu chuyện dựa trên ký ức thời thơ ấu theo mẹ ra đồng của những người lớn để khơi gợi lại bầu không khí thân thương và đáng tin cậy cho thứ nước uống này. Storytelling của họ sẽ xoay quanh “Câu chuyện theo mẹ ra đồng - Câu chuyện thời thơ ấu”. Lúc này nước uống thảo mộc vị cỏ ngọt Y được gắn với cảm xúc “Tình yêu thương” và “Cảm giác nuối tiếc tuổi thơ”, hành động mong muốn phát sinh sẽ là: nếm lại hương vị thời thơ ấu qua nước uống thảo mộc vị cỏ ngọt hoặc xem đi xem lại đoạn quảng cáo và chia sẻ nó đến người quen. Từ đây hãng X được gia tăng độ nhận diện và nước uống cỏ ngọt Y cũng tăng doanh số bán.

3 - Storytelling mở rộng vòng tròn kết nối với người mua bằng sự lan tỏa

Cảm xúc có tính lây lan, và Storytelling được kể đúng cách sẽ khiến cảm xúc được thăng hoa và con người khát khao chia sẻ nó cho những người khác.

Ví dụ hãng X với nước uống thảo mộc vị cỏ ngọt Y muốn tạo một sự kết nối có tính lan tỏa họ sẽ cần một hoạt động tạo ra sự gắn kết từ hiện thực cuộc sống đến nền tảng online. Họ cần làm ra một dây chuyền các “sản phẩm tinh thần” có thể chia sẻ được có tính tiếp nối cảm xúc (Video clip quảng cáo, nội dung hiển thị, hoạt động thực tiễn, v.v..).

Ở mỗi hoạt động, người mua phải dễ dàng tham gia và cảm xúc được thăng hoa để thực hiện hành động giúp sản phẩm được viral một cách tự nhiên nhất, và tăng dần độ kết nối thật.

4 - Storytelling giúp truyền động lực và tạo sự tin tưởng

Storytelling được các công ty áp dụng giúp truyền động lực và duy trì lòng tin (lòng trung thành) của nhân viên đối với doanh nghiệp. Điều này cũng giúp tăng năng xuất, tăng chất lượng lao động một cách vượt trội. Câu chuyện được kể đúng cách còn giúp doanh nghiệp gặt hái được nhiều ý tưởng sáng tạo từ các nhân viên năng động.

Storytelling cũng được áp dụng trong quá trình xây dựng lòng trung thành cho khách hàng, biến một khách hàng thành khách hàng hạnh phúc và đi đến quyết định gắn bó lâu năm với sản phẩm hoặc thương hiệu.

Bên cạnh đó, Storytelling còn giúp người lãnh đạo chiếm được sự tin tưởng của nhiều người một cách thuyết phục bằng cách “truyền cảm hứng”. Tổ chức Ted Talk với những Video chia sẻ ý tưởng đầy cảm hứng từ các cá nhân đến từ nhiều nơi đã đem đến nhiều cảm xúc cho người theo dõi. Hình ảnh, tiếng nói và tinh thần của TED chính là giá trị xuyên suốt mà họ muốn lan truyền đến tất cả cộng đồng.

Storytelling trong một số lĩnh vực

Storytelling được áp dụng phổ biến ở nhiều lĩnh vực với nhiều hình thức khác nhau. Có thể liệt kê một số lĩnh vực phổ biến trong các doanh nghiệp hiện nay:

Lĩnh vực

Mục tiêu của Storytelling 

Cách thức biểu hiện


Marketing & PR


Câu chuyện giúp “Kết nối” sản phẩm và khách hàng (Buyer/Leads)

Câu chuyện về bạn - khách hàng của chúng tôi 


Business

Kết nối Những Tầm nhìn & Chiến lược với nhau

Câu chuyện về “Chúng Tôi”

Branding

Kết nối với Sự hình dung của người dùng về thương hiệu

Câu chuyện về “Sản phẩm”

Doanh nghiệp

Kết nối Những con người cùng chung mục tiêu

Câu chuyện về “Con người & Mục tiêu”

Lời kết

Nơi nào có câu chuyện được kể, nơi đó có sự sống. Thương hiệu nào duy trì được những câu chuyện truyền tải lại, thương hiệu đó có sức mạnh thu hút. Phải thật lâu để một người tiếp xúc hay gặp gỡ với một thương hiệu, nhưng đôi khi chỉ cần qua một câu chuyện được kể đúng cách thì thương hiệu đã ở ngay trong sự tiếp xúc gần gũi nhất với người dùng. Đó là phép màu của Storytelling.

Các bạn có thể đọc thêm các bài cùng thể loại trong chuyên mục Storytelling.

Lưu giữ một phiên bản tóm tắt đặc biệt bằng hình ảnh, lấy nó ngay bên dưới.