Rèn luyện tư duy sáng tạo với cửa sổ Johari
Core Content sẽ giới thiệu đến độc giả một công cụ tư duy mạnh mẽ giúp bạn trải nghiệm kiểu suy luận "chắc chắn đúng".
Bạn đã bao giờ trải nghiệm suy luận “chắc chắn đúng” về một vấn đề chưa? Suy luận chắc chắn đúng chính là lối suy luận bám theo các công cụ tư duy và cho ra một trải nghiệm về “kết quả chính xác tuyệt đối”.
Trong bài viết ngày hôm nay, Core Content sẽ giới thiệu đến độc giả một công cụ tư duy mạnh mẽ như thế với tên gọi cửa sổ Johari.
Cửa sổ Johari là gì?
Mô hình cửa sổ Johari được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1955 để minh họa các mối quan hệ về mặt nhận thức. Tác giả của mô hình là hai nhà tâm lý học người Mỹ Joseph Luft và Harry Ingham. Đây được xem như một công cụ tư duy dạng “heuristic” - tự tìm tòi và khám phá để suy đoán về các mối quan hệ giữa con người với nhau dựa trên độ mở của góc phần tư.
Công cụ này được Luft mô tả là “Một mô hình đồ họa về nhận thức trong các mối quan hệ giữa các cá nhân” (Luft, 1961). Nó tập trung vào kiến thức về một người (hoặc một nhóm người) với hai chiều: bản thân và người khác, và hai hệ giá trị: đã biết và chưa biết. Điều này dẫn đến bốn góc phần tư khác nhau.
Góc phần tư thứ 1 - vùng mở
Góc phần tư I là khu vực hoạt động tự do, nơi mình biết và người khác cũng biết. Góc này đề cập đến những hành vi và động lực mà mọi người đã biết về chính mình. Trong vùng này, người ta có thể cởi mở với người khác về bản thân - dưới dạng thông tin; và cởi mở về cách họ tương tác ứng xử - dưới dạng một phần tính cách.
Vì là vùng biết về nhau, mọi người có thể giao tiếp và kết nối với nhau rất thoải mái về những vấn đề được cho phép chạm đến. Giao tiếp trong vùng này diễn ra minh bạch, rõ ràng, không có hiểu lầm hay mâu thuẫn nảy sinh vì mọi thông tin đều được cho phép tiếp cận công khai. Nếu muốn người khác hiểu hơn về mình, bạn có thể chủ động tăng diện tích vùng mở này.
Đây cũng được coi là vùng kiến thức phổ thông. Tư duy trong vùng này diễn ra dễ dàng, thoải mái, không phải nỗ lực nhiều mới đạt được kết quả.
Góc phần tư thứ 2 - vùng mù
Góc phần tư II, vùng mù là nơi mình không biết và người khác biết. Trong vùng này, một người nhìn vào bên trong bản thân nhiều hơn và có một chút khó khăn khi giao tiếp với người khác bởi vì bạn không thấy họ như họ thấy chính họ - và họ cũng gặp khó khăn tương tự với bạn.
Đây là vùng bày tỏ sự quan tâm và khả năng quan sát tinh tế bởi vì có những điều người khác thấy bạn “như họ thấy bạn là”, nhưng bạn lại không thấy mình theo cách đó. Ví dụ: thói quen xấu lặp đi lặp lại (nói trống không, hay cáu gắt người khác, lạnh lùng hoặc ấm áp, cố chấp hoặc dễ dãi, v.v..).
Vùng mù sẽ được thu hẹp khi chúng ta gia tăng thời gian trò chuyện thân tình cùng người khác để lắng nghe họ phản hồi về bản thân nhiều hơn. Hoặc bạn cũng có thể chọn cách tự quan sát chính mình.
Đây cũng được coi là vùng kiến thức chuyên môn. Tư duy trong vùng này diễn ra khó nhận biết hơn vì nó liên quan nhiều đến kinh nghiệm, kỹ thuật riêng và sự tích lũy dựa trên thực hành theo thời gian.
Góc phần tư thứ 3 - vùng ẩn
Góc phần tư III là khu vực tránh hoặc ẩn, nó là nơi bạn biết và người khác không biết. Vùng này đại diện cho những điều chúng ta biết nhưng không muốn tiết lộ cho người khác. Ví dụ: một kế hoạch làm việc bị che giấu hoặc những vấn đề mà chúng ta có cảm xúc nhạy cảm (tình dục, nỗi sợ không thể nói, hành vi quá khứ muốn quên đi chẳng hạn). Tại vùng này, mỗi người sẽ khám phá những động cơ thầm kín trong việc giao tiếp với người khác.
Đây là vùng thường được xem là chứa nhiều bí mật riêng tư nhất nên nó cũng là vùng khiến chúng ta dễ bị tổn thương, tức giận, khó chịu và tạo ra những rào cản, những “đám mây hiểu lầm” hoặc bất đồng không có điểm dừng.
Vùng ẩn nếu được gia tăng sẽ tạo ra sự bí ẩn cho mỗi người hoặc tăng tính tò mò. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá mức sẽ khiến bạn tự cô lập bản thân trong mối quan hệ với người xung quanh. Ngược lại, nếu muốn thu hẹp vùng ẩn, bạn có thể chủ động nêu ra ý kiến, quan điểm và thái độ sống trước những tình huống có thể gây ra hiểu lầm đáng tiếc cho bản thân - trước khi đẩy câu chuyện đi quá xa. Đôi khi việc che giấu suy nghĩ, cảm xúc, nỗi sợ hãi, lòng tin hay nhu cầu riêng sẽ khiến bản thân bạn rơi vào tâm trạng nặng nề, dồn nén và không thoải mái đón nhận những điều mới thú vị của cuộc sống.
Đây cũng được coi là vùng tri thức - nơi mà trực giác hoạt động mạnh mẽ và liên quan trực tiếp đến độ nhạy bén, nhạy cảm của một người trước các sự kiện diễn ra trong cuộc sống.
Góc phần tư thứ 4 - vùng hoạt động không xác định
Đây là vùng bạn không biết và người khác cũng không biết. Ở vùng này, cả cá nhân và những người khác đều không nhận thức được các hành vi hoặc động cơ nhất định của chính mình. Có thể coi nó là vùng tàng thức chưa được kiểm soát hay biết đến. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể giả định sự tồn tại của chúng.
Trong giao tiếp, đây là vùng một người không thể hiểu bản thân trong mối quan hệ với vũ trụ đa chiều và những người khác cũng thế. Người ta cũng nhận ra rằng, những hành vi và động cơ không xác định này lại có sức ảnh hưởng rất lớn đến các mối quan hệ và cả hành vi hàng ngày của chúng ta. Thậm chí nó còn âm thầm tạo ra sức ảnh hưởng của chúng ta.
Đây cũng chính là vùng tiềm năng của mỗi người mà khi được quan tâm và phát triển đúng cách sẽ giúp họ tỏa sáng năng lực bất ngờ theo những cách đặc biệt riêng.
Áp dụng cửa sổ Johari như một công cụ giải quyết vấn đề
Trên thực tế, bốn khu vực không có kích thước bằng nhau như được mô tả trong biểu đồ Johari và chúng cũng sẽ thay đổi linh hoạt theo thời gian.
Cửa sổ Johari được phát triển để tư duy giải quyết vấn đề - đặc biệt phát huy hiệu quả khi giải quyết các tình huống liên quan đến giao tiếp, ứng xử. Bạn có thể xem video clip áp dụng cửa sổ này trong tình huống “làm việc với đồng nghiệp cố chấp” từ kênh youtube của Core Content nhé.
Comments ()