Người Giúp Đỡ - Con người của lo lắng

Cùng Core Content tìm hiểu những điểm thú vị về kiểu Người Giúp Đỡ - kiểu tính cách thứ hai trong vòng tròn 9 kiểu tính cách con người được phân loại theo công cụ Enneagram.

Vài khắc hoạ sơ lược

  • Mô tả phong cách sống: sống theo nhóm mà bản thân cảm thấy mình thuộc về.
  • Biểu hiện cụ thể qua ý chí: nỗ lực để giúp đỡ và tìm kiếm điểm tích cực từ mọi người, thích cảm thấy mình được cần đến và thậm chí là không thể thiếu trong một tập thể.
  • Mong muốn cơ bản: cảm thấy được yêu thương và đáp đền.
  • Hệ luỵ: có xu hướng trở thành “người làm hài lòng mọi người”, thích được quan tâm chú ý và được khen ngợi một cách công khai, lâu dài dẫn đến sự phụ thuộc cảm xúc vào người khác.
  • Họ trong mắt người khác: người khác coi họ là những người chu đáo, ấm áp nhưng có phần thể hiện cảm xúc thái quá, vì thế khi gặp vấn đề thường bộc lộ xu hướng né tránh.
Câu cửa miệng của họ là: OK, đồng ý.

Ấm áp, chu đáo và nhạy cảm với nhu cầu của người khác

Chẳng ai hiểu nhu cầu của người khác nhiều hơn người giúp đỡ. Chỉ sau một vài lần tiếp xúc với bạn, họ đã đoán biết bạn cần gì, điều gì sẽ giúp bạn phát triển tốt hơn - và sẵn sàng đưa tay giúp đỡ cho dù điều đó có vượt quá khả năng của họ ít nhiều, họ vẫn sẽ nỗ lực vì bạn.

Thường cuộc đời sẽ để cho điều đó xảy ra - dường như cuộc đời ủng hộ lòng tốt này của họ - bởi vì điều đó thuộc về bản chất của người giúp đỡ. Nhưng đồng thời, ngay từ khi bắt đầu giúp đỡ, họ cũng âm thầm mong đợi sự đền đáp tương xứng cho những việc làm tốt của họ dành cho bạn nhưng không phải bởi lòng tham vọng vật chất, mà bởi tình yêu thương.

Tôi muốn được yêu thương thôi mà!

Niềm khát khao được yêu thương của người giúp đỡ là một sự thiếu thốn nằm trong bản chất nền của họ, bởi vì “càng nhiều càng ít”. Họ quá quan tâm, quá cho đi, luôn đặt nhu cầu của người khác lên trên mình, sẵn lòng giúp đỡ và hỗ trợ mọi người bất cứ khi nào được nhờ cậy. Họ thậm chí thường hy sinh lợi ích cá nhân để làm hài lòng người khác.

Tình yêu thương không đúng cách chính là mấu chốt khiến người giúp đỡ luôn cảm thấy bất mãn với những người mà họ yêu thương và dần hình thành cách ứng xử liên tục “đòi hỏi” ngấm ngầm. Cách ứng xử không rõ ràng này lại khiến những người xung quanh dần không thể hiểu nổi họ. 

Cuộn băng cassette cũ mập mờ 

Bởi vì người giúp đỡ luôn hy sinh bản thân để làm hài lòng mọi người, nên dần dần họ quên mất nhu cầu của chính mình là gì. Họ thậm chí không thể nói rõ ràng và chính xác nhu cầu thật sự của bản thân, điều họ mong muốn ở đối phương dành cho mình là gì. Giống như một cuộn băng cassette trong chiếc radio cũ bị ghi đè lên quá nhiều lần bởi nhu cầu bên ngoài, còn tự thân cuộn băng chỉ là một chiếc vỏ rỗng vậy.

Ngập tràn lo hão và dễ bùng phát cơn giận

Nỗi lo lắng của người giúp đỡ là hệ quả của một quá trình cho đi không đúng cách của họ. Họ luôn trong tâm trạng bất an, lo lắng nhưng không biết là thật sự cái gì đang làm mình lo lắng. Điều họ lo lắng thật ra là những năng lượng cộng dồn từ người khác mà họ đã nhận vào một cách vô thức theo thời gian. Đây cũng chính là nguyên nhân dễ dẫn đến kiệt sức về thể chất và cảm xúc ở người giúp đỡ.

Lúc này, họ sẽ cảm thấy bị tổn thương, đau khổ và rất tức giận khi nhu cầu thực sự của họ bị ngó lơ và bộc phát tính cách có vẻ như trái ngược với hành vi dễ chịu thường ngày của họ.

Thực chất, sự tích trữ tiêu cực này đã hình thành trong một thời gian và có thể khiến cơn giận của họ bùng phát bất cứ lúc nào. Giống như việc bạn vắt chiếc áo mỏng trên lưng con lạc đà vốn đã mang nặng thì vấn đề “giọt nước tràn ly” chỉ là thời điểm nào mà thôi.

Để hiểu hơn về điểm tích cực và tiêu cực trong tính cách để xây dựng nhân vật theo kiểu người cầu toàn trong các sản phẩm hay kịch bản, bạn có thể xem chi tiết tại video kể chuyện về Người Giúp Đỡ trên kênh YouTube Core Content (chuyên mục Story Flow) nhé.