Người cầu toàn - con người của chiếc mặt nạ hoàn hảo

Cùng Core Content tìm hiểu những điểm thú vị về kiểu người cầu toàn - một trong 9 kiểu tính cách con người được phân loại theo Enneagram.

Vài khắc hoạ sơ lược

  • Mô tả phong cách sống: sống theo nguyên tắc, có mục đích và tự chủ. 
  • Biểu hiện cụ thể qua ý chí: ý thức mạnh mẽ về ranh giới đúng - sai. Thiện là thiện mà ác là ác, trắng là trắng, đen là đen, không có trung giới (vùng xám). Kiên định với các giá trị tôn giáo và đạo đức. 
  • Mong muốn cơ bản: làm điều tốt cho thế giới và sống một cuộc sống cân bằng, được tôn trọng.
  • Hệ luỵ: giá trị được phân biệt quá rõ ràng khiến họ luôn trong trạng thái không hài lòng với thực tế. 
  • Họ trong mắt người khác: người khác coi họ là những người theo chủ nghĩa lý tưởng cao cả hoặc là có “vị thế đứng” rất cao (điểm đứng cao cao tại thượng). 
Câu cửa miệng của họ là: "Không thể chấp nhận được"

Những người tự nguyện đeo mặt nạ

Người cầu toàn là những người được trọng dụng trong xã hội, họ là nền tảng để vận hành một xã hội công bằng - văn minh. Mọi người sống theo họ, từ đó sống theo nguyên tắc. Họ là những người đi đầu trong việc tuân thủ các quy luật và luật pháp để góp phần hình thành một xã hội bình ổn.

Bởi vì gánh nặng này, người cầu toàn gần như quên mất họ là ai, chỉ còn nhớ đến trách nhiệm mà họ đặt nặng trên vai một cách vô thức. Vì bản thân luôn tự ép mình kiên định với các giá trị tôn giáo và đạo đức - những giá trị mà họ chọn theo đuổi (hoặc được nuôi dưỡng và giáo dục từ thuở ấu thơ) nên họ quên mất rằng không phải mọi người đều giống họ.

Chúng ta là những cá thể, nhưng cũng là những cá nhân riêng biệt. Một phần nào đó trong ta tự quy định thế giới mà ta sống là như thế nào - nhưng vẫn có những phần khác mong muốn được thay đổi với những trải nghiệm mới mẻ. Chính vì vấn đề này, người cầu toàn sống trong đau khổ, day dứt.

Chiếc mặt nạ không thể gỡ xuống

Những người cầu toàn rất quan tâm đến cách người khác nhìn nhận họ và rất nhạy cảm với những lời chỉ trích từ người khác. Nói cách khác, họ không thể tự tách cá nhân mình ra khỏi hành vi - họ đồng nhất bản thân với hành vi họ đã làm một cách trọn vẹn và tự làm mình mắc kẹt trong chiếc mặt nạ.

Người cầu toàn thể hiện nỗi sợ hãi mạnh mẽ về việc bị phán xét tiêu cực là bởi vì với họ, sự sai lầm về hành vi là sự sai lầm về đạo đức, sự sai lầm về đạo đức là sự sụp đổ của một con người được nuôi dưỡng và giáo dục - theo định nghĩa chưa đầy đủ của họ.

Chiếc mặt nạ gây ra thiên kiến

Bởi vì bản thân đã đeo mặt nạ, họ cũng nhanh chóng hình thành ý kiến về người khác (thiên kiến cá nhân) và dán nhãn cho hành vi của người khác bằng những tấm thẻ “đúng”, “sai”. 

Đây là một quá trình phán xét người khác (như cách mà họ vẫn luôn phát xét chính mình) để tìm kiếm bằng chứng về phẩm chất đạo đức được thể hiện trong kỷ luật, cách cư xử, ngoại hình và văn hoá (tôn trọng). 

Chiếc mặt nạ “đạp gió rẽ sóng”

Họ là kiểu người thích lao vào làm trước khi cảm nhận. Với lòng tự trọng cao, họ cũng tự chọn cách tập trung nhiều vào công việc hơn là sống dựa vào mối quan hệ. Họ rất sợ bị tổn hại bởi những sai lầm của người khác nên luôn cố gắng gồng mình mà “ôm đồm” mọi thứ nên nhiều lúc tự đẩy mình vào căng thẳng không đáng có.

Người cầu toàn không thích rủi ro vì họ đồng nhất rủi ro với điều “sai lầm”. Họ cũng không phải tuýp ngồi chờ cơ hội hay phó mặc cho số phận vì cho rằng cơ hội đồng nghĩa với “trả giá” - mà “trả giá” nghĩa là có điều “sai” lẫn vào trong đó. Không còn cách nào khác, người cầu toàn tiếp tục ép mình lao về phía trước.

Để hiểu hơn về điểm tích cực và tiêu cực trong tính cách để xây dựng nhân vật theo kiểu người cầu toàn trong các sản phẩm hay kịch bản, bạn có thể xem chi tiết tại video kể chuyện về "Người cầu toàn" trên kênh YouTube Core Content (chuyên mục Story Flow) nhé.