Luyện tập kỹ năng đọc sách bằng hồi tưởng

Nếu bạn cùng có mặt để hồi tưởng khi đọc sách, chất lượng thời gian đọc của bạn sẽ gia tăng, khả năng hiểu sâu của bạn sẽ tiến bộ. Sau đây là những cách đơn giản để luyện kỹ năng đọc sách bằng hồi tưởng.

Hồi tưởng chỉ là một kỹ thuật

Hồi tưởng là một từ thú vị mình dùng để giúp bạn ấn tượng với việc nhớ lại lần đọc cũ. Từ này chẳng phải là một phát minh, nó đã được rất nhiều người dùng đến. Điểm khác biệt của kỹ thuật đọc hồi tưởng là bạn luôn nhớ lại bằng cảm xúc của bạn ở các lần đọc. Nói cách khác, bạn dùng chính những cảm xúc và những ký ức cũ để đọc sách, chứ không chỉ dùng cách đọc thông thường với ghi nhớ nông. Mỗi đoạn trong sách, bạn nhớ lại xem có từng gặp ở đâu trong ký ức của bạn không. Đoạn này tác giả viết thế này có giống bạn chút nào chưa? Có điểm gì liên tưởng được không?

Ban đầu, có thể bạn sẽ thấy hơi “suy diễn”, đừng ngại người khác nói bạn là “suy diễn”, “tư biện”. Tư biện sâu sẽ không còn là tư biện nữa vì bạn đã tìm được diễn ngôn để trình bày đúng cái bạn muốn nói. Từ cái tuyệt đối của bạn - bạn đã vào được cái mà cuốn sách đề cập đến bằng con đường “tư biện” riêng và từ từ bạn sẽ đi ra được khỏi nó. Nhưng để có được diễn ngôn bạn bắt buộc phải tư biện nhiều và nhiều hơn nữa. 

Ở lần đầu hãy tìm đúng cuốn sách bạn muốn đọc

Bạn thích một chủ đề, và muốn tìm hiểu nó nhưng không thể đọc hết nổi cuốn sách đã mua? Hoặc đọc xong nhưng vẫn cảm giác chưa thực sự nhớ hết nội dung chính trong cuốn sách đó? Có bao giờ bạn từng nghĩ, vấn đề không phải do bạn không thể nhớ, mà đơn giản là vì bạn đã chọn mua không đúng cuốn sách dành cho mình. 

Tại mỗi thời điểm, bạn có những điều tò mò khác nhau, những điều chưa biết khác nhau và nhân sinh của bạn cũng khác biệt. Đừng ngại dành nhiều thời gian để tìm ra cuốn sách mình yêu thích cho chủ đề mình yêu thích. Đừng quan tâm đến người viết ra nó “phải là ai”, chỉ cần bạn thấy nó thích hợp, hãy chọn cuốn sách đầu tiên đó, nó sẽ mở đường cho bạn đến những cuốn sách tiếp theo. Đừng gắng đọc một cuốn sách chỉ vì nó “đang rất hot”, hãy đọc thứ bạn cần. Đừng ngưng đọc một cuốn sách chỉ vì bị cười cợt và đánh giá, hãy đọc thứ bạn muốn.

Khi đọc sách, hãy ở một mình với sách

Ở một mình với sách không có nghĩa là bạn phải tách biệt với thế giới. Không hẳn. Nó có nghĩa là khi đọc sách thì bạn hoàn toàn dành sự tập trung cho nó. Đừng bị phân tâm bởi những thứ xung quanh bởi vì thế giới khách quan bạn không thể kiểm soát được: tiếng ồn, gió, trò chuyện từ người khác, … tất cả những điều đó bạn không cần cố gắng thay đổi. Tất nhiên, tuyệt nhất vẫn là không bị làm phiền, nhưng tuyệt thứ nhì, thứ ba, thứ tư, v.v.. thì cũng tốt thôi.

Để bản thân ít bị làm phiền bởi những thứ không mong muốn là một kỹ năng khó. Điều tiên quyết là bạn phải hiểu rõ chính mình, biết điều gì sẽ khiến bạn phân tâm nhưng đồng thời cũng biết điều gì sẽ xoa dịu được hoàn cảnh đó. Nó giống như một nẻo về, nếu bạn đã áp dụng và thành công được một lần, lần sau bạn sẽ mạnh hơn lên, và về nhà nhanh hơn.

Ghi chép lặp lại vào những thời điểm khác nhau

Bạn không cần phải ghi thẳng vào sách (nếu bạn thích thì cũng chẳng sao, hãy làm như vậy), bạn có thể dùng giấy note trong suốt để không làm ảnh hưởng đến sách nhưng vẫn có cảm giác được ghi chú thẳng vào sách. Nếu là kiểu người thích sự chú ý và thích màu sắc, bạn có thể dùng giấy note màu. Đọc sách kèm ghi chú là đặc biệt quan trọng, não bạn sẽ hoạt động theo kiểu “dạy và học”, bạn tự dạy lại cho chính bạn qua những ghi chú đó. Vào một thời điểm khác, hãy xem lại những ghi chú và đọc lại, bạn sẽ phát hiện ra những điều thú vị khác nữa. Cứ như thế, mở rộng kỹ năng đọc và hồi tưởng trong lần ghi chú đầu và những lần ghi chú tiếp theo. 

Thật ra, hồi tưởng nó đơn giản chỉ là một quá trình lặp lại. Nhờ những ghi chú này, bạn biết “Tại sao lúc đó bạn lại hiểu vấn đề theo hướng A, mà thời điểm khác bạn lại nhìn vấn đề theo hướng B?”. Bạn tiếp tục dạy lại cho bạn một lần nữa, cứ thế tiếp tục. Làm nhiều lần, bạn sẽ quen và những ghi chú này sẽ tiệm cận nhau hơn.

Đọc thêm những quyển sách cùng chủ đề để có chất liệu so sánh 

Đọc một quyển về một chủ đề, bạn đã có một chút vốn liếng. Nếu thật sự đọc chú tâm, bạn thu được vốn cũng nhiều hơn, khi đó hãy đọc sang quyển sách khác cùng chủ đề. Lúc này, não bạn sẽ thấy được khuyến khích vì “dù sao thì cũng đã có một chút vốn” từ quyển sách trước. Không cần phải đọc nhiều chủ đề mà hãy hiểu một chủ đề theo nhiều chiều hướng. 

Chúc bạn áp dụng những mẹo nhỏ của Core Content và đọc sách nhiều hơn, yêu sách nhiều hơn nữa. Và nếu có thời gian rảnh, hãy nghe các Podcast thiền thư giãn của Core Content trên Spotify hoặc xem video thiền "Thư viện cũ buổi sáng" tại kênh YouTube của Core Content để lấy thêm năng lượng và cảm hứng cho mình nhé.