Internet Meme là gì? Cách kích hoạt một chất liệu thành meme
Trong một nghiên cứu thú vị được công bố của mình với tên gọi: "Memes in a Digital World: Reconciling With a Conceptual Troublemaker", Limor Shifman đã phân tích Meme như một đối tượng (khách thể) của một chủ thể thích gây rối nhiễu các thông tin (nội dung kỹ thuật số) trên môi trường internet.
Và tất nhiên, điều thú vị là bằng cách nào đó “kẻ gây rối” này vẫn được đông đảo người dùng đón nhận nhiệt tình, lan truyền tích cực và không ngừng tạo ra các sản phẩm phái sinh.
Limor Shifman đã miệt mài theo đuổi Meme, quan sát cách Meme hoạt động và lập nên một biểu đồ giải thích bản chất mà một Meme được kích hoạt bởi các chất liệu thu được từ một số video phổ biến trên Internet.
Trong bài viết này, Core Content sẽ trình bày lại mô hình của Limor Shifman theo phương pháp đơn giản hoá khái niệm. Bạn đọc có thể tìm đọc bài gốc bằng tiếng Anh của tác giả và mở rộng góc nhìn của mình theo những cách riêng.
Meme là một nỗi đau âm ỉ
Theo Limor Shifman, nếu chịu khó đọc lại các tác phẩm văn học hàn lâm chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra một điều không mấy khó hiểu: Memes là một nỗi đau âm ỉ tồn tại từ nhiều thế hệ. Kể từ khi Richard Dawkins đặt ra thuật ngữ này vào năm 1976 để mô tả các đơn vị truyền nhiễm tương tự như “gen” của văn hóa, lây lan từ người này sang người khác, Meme đã trở thành chủ đề của các cuộc tranh luận liên tục.
Bẵng đi một thời gian, khi internet bùng nổ, Meme lại âm thầm quay trở về dưới hình thức mới nhằm truyền bá các nội dung như truyện cười, tin đồn, video hoặc trang web từ người này sang người khác thông qua Internet.
Hai điều kiện cần để hiểu meme trước khi tạo ra meme mới
Bởi vì meme đã được hiểu và nghiên cứu quá nhiều bằng nhiều cách khác nhau nên nói như Dennett, chúng đã được “sao chép với tốc độ khiến cho ngay cả ruồi giấm và tế bào nấm men cũng không có cửa khi so sánh cùng". Và chính điều này làm trở ngại việc tìm hiểu meme vì có quá nhiều điều được thêu dệt xung quanh chúng.
Chính vì rào cản tư duy này, Limor Shifman đã đề ra 2 tiền đề giúp người đọc tiếp cận bản chất của meme dễ dàng hơn:
Thứ 1: người đọc cần loại bỏ thói quen kịch tính hoá khái niệm (bao hàm toàn bộ hàm ý và ý nghĩa được người khác gán cho meme qua nhiều năm). Nghĩa là, cứ tìm hiểu lại từ đầu, quan sát meme một cách tự nhiên như một đứa trẻ lần đầu tìm hiểu “em bé meme” chứ không phải “siêu nhân Meme, phù thuỷ Meme”.
Thứ 2: nên giới hạn phạm vi tìm hiểu meme. Trong nghiên cứu này, bà đã đặt meme vào bối cảnh giao tiếp kỹ thuật số (Internet meme). Bạn đọc có thể chọn bối cảnh khác để tìm hiểu meme theo cách riêng. Với các bối cảnh khác, bạn đọc có thể tham khảo trong các Video được Core Content chia sẻ trên kênh Youtube riêng của chúng tôi trong thời gian sắp tới.
Mô hình 3 chiều giúp lan truyền sức mạnh xã hội cho một meme
Meme là một loại hình định hướng giao tiếp được đặt trong bối cảnh 3 chiều cần được kích hoạt: nội dung, hình thức và góc nhìn riêng. Nghĩa là, muốn kích hoạt một meme ta không thể tách rời nó khỏi ba điều kiện trên.
Ba chiều kích giống như chìa khóa vạn năng giúp phá bỏ sự “lockdown” của các chất liệu và biến chúng thành Meme. Nếu không có 3 chiều kích (hoạt) thì không có những Meme sống động, lan truyền mà ta chỉ có những chất liệu ngủ yên trong sách vở, trong tưởng tượng, trong đâu đó của hồi ức một con người.
Nội dung thông điệp của meme
Chiều kích (hoạt) thứ 1 - Liên quan chủ yếu đến nội dung, đề cập đến cả ý tưởng và hệ tư tưởng được truyền đạt qua meme đó. Nghĩa là, khi tìm hiểu một Meme, bạn phải hiểu toàn bộ nội dung xoay quanh nó. Ví dụ: meme trong phim thì đó là phim gì, tại sao đoạn cắt đó được lan truyền, v.v..
Chiến lược viral meme
Chiều kích (hoạt) thứ 2 - Liên quan đến hình thức lan truyền hay còn gọi là chiến lược viral một Meme. Đây chính là cách mà một thông điệp từ meme được cảm nhận thông qua các giác quan của chúng ta. Nó liên quan đến chất liệu thu thập (hình ảnh, âm thanh, từ ngữ) và cách ta tổ chức chúng. Một meme sẽ chỉ là chất liệu thô nếu nó không được sắp xếp các phụ gia: ngôn từ, ẩn ý, cách viral, kênh viral, v.v..
Góc nhìn riêng của người tạo ra meme - Phong cách hoá Meme
Chiều kích (hoạt) thứ 3 - Liên quan đến phong cách một meme giao tiếp với đối tượng khán giả đại chúng. Thông tin mà các meme truyền đạt sẽ thể hiện cách giao tiếp của chủ thể thật sự, người sáng tạo ra chuỗi meme đó - còn gọi là phong cách cá nhân.
Giống như hình thức và nội dung, phong cách thể hiện lập trường riêng biệt, có khả năng gây ấn tượng và sức ảnh hưởng đến người đọc, người xem, người sử dụng Meme. Bởi vì khi tạo lại văn bản, người dùng có thể quyết định bắt chước một điểm thú vị nhất định mà họ thấy hấp dẫn từ phiên bản cũ, hoặc sử dụng một hướng diễn đạt hoàn toàn khác từ chất liệu cũ. Nếu không có nét riêng, meme chỉ là “Meme của người ta”, không phải Meme của bạn.
Các bạn có thể đọc thêm các bài cùng thể loại trong chuyên mục chuyên mục Content Ideas.