Góc nhìn người quan sát khách quan trong kể chuyện
Cùng Core Content tìm hiểu kỹ thuật kể chuyện này thông qua 5 yếu tố: cảm xúc, điểm nhấn chủ chốt, dòng thời gian, chất liệu và mục đích sử dụng.
Khi áp dụng góc nhìn của người quan sát khách quan để kể một câu chuyện, tuy điểm tập trung của bạn không nằm ở nhân vật chính nhưng vẫn tạo được cảm xúc mạnh trong lòng khán giả.
Cùng Core Content tìm hiểu kỹ thuật kể chuyện này thông qua 5 yếu tố: cảm xúc, điểm nhấn chủ chốt, dòng thời gian, chất liệu và mục đích sử dụng. Phần mục đích không được trình bày đầu tiên theo trật tự thông thường, mà được trình bày cuối cùng sau khi đã chỉ ra 4 yếu tố còn lại với dụng ý giúp bạn dễ dàng nhận ra cách kể này nên được áp dụng trong tình huống nào.
Cảm xúc
Khi chọn góc nhìn của người quan sát khách quan để kể một câu chuyện, cảm xúc sẽ không được nhấn mạnh theo kiểu thuần mô tả qua lời thoại của nhân vật chính. Nói cách khác, cảm xúc sẽ không được làm mạnh trực tiếp bằng thủ pháp tăng cường thông qua nhân vật chính mà được truyền tải gián tiếp qua bối cảnh được sắp đặt. Cảm xúc lúc này sẽ lắng đọng nhanh hơn và cần sự dẫn dắt bên ngoài làm chất xúc tác thông qua các yếu tố khách quan như: hình ảnh, góc kể chuyện của hình ảnh (tương tự góc máy, các frame hình), màu sắc, sáng - tối, v.v...
Điểm nhấn mấu chốt (thủ thuật)
Như đã nói ở trên, sự sắp xếp bố cục xuất hiện chính là điểm nhấn của cách kể chuyện thông qua góc nhìn của người quan sát khách quan. Thủ thuật sắp xếp thứ tự xuất hiện trước sau của chuỗi sự kiện rất quan trọng trong cách kể này chứ không nằm hoàn toàn ở bản chất các sự kiện, thậm chí làm thay đổi bản chất sự kiện để truyền tải ý đồ nghệ thuật cũng không phải là điều quá bất ngờ.
Dòng thời gian
Dòng thời gian được sử dụng trong góc kể này là dòng thời gian lịch sử. Nghĩa là dòng thời gian có thể được khán giả nhận biết rõ ràng, rành mạch rằng nó “đã xảy ra rồi”. Bạn có thể cho rằng nó đã thuộc về quá khứ nhưng chính sự sắp xếp và tái hiện lại nó sẽ đem đến một cảm xúc như thể nó mới xảy ra gần đây thôi - như thể “mới hôm qua”, và vì thế cảm xúc được cô đọng và trọn vẹn lại trong “một khoảnh khắc”. Bởi vì không ai có đủ kiên nhẫn để xem một câu chuyện năm này qua tháng nọ, và cũng không ai hiểu nổi một câu chuyện kéo dài ba vạn tám ngàn ngày nếu không được người kể sắp xếp gọn gàng lại.
Chất liệu
Chất liệu chính được sử dụng trong cách kể theo góc nhìn của người quan sát khách quan chính là sự kiện và không có gì ngoài sự kiện. Sự kiện chính là những dữ liệu và thông tin đã xảy ra rồi và đã được ghi nhận lại dưới nhiều hình thức lưu trữ khác nhau. Bởi vì là khách quan nên những sự kiện này phải rõ ràng và tồn tại như những “chứng cứ” để có thể được tái dựng lại hoặc được công nhận.
Mục đích sử dụng
Cách kể này thường được áp dụng trong trường hợp nào? Vì là góc nhìn của người quan sát khách quan (khác với góc nhìn của người quan sát chủ quan), cách kể này thường được áp dụng trong các lối kể chuyện với mục đích tái hiện lại.
Ví dụ: trong các sự kiện ra mắt sản phẩm, dịch vụ mới của bối cảnh thương mại. Hoặc trong các câu chuyện trinh thám cổ điển nhấn mạnh vào chứng cứ và động cơ hơn là hành vi tâm lý.
Dù được áp dụng trong trường hợp nào thì mục đích của chúng vẫn là: sự kiện cũ làm nền tảng cho sự kiện mới xảy ra hoặc sắp xảy ra ở tương lai gần (ra mắt một sự kiện là tương lai gần).
Như vậy, mình vừa chia sẻ cùng các bạn những điểm cơ bản trong cách kể chuyện theo góc nhìn của người quan sát khách quan thông qua các chuỗi sự kiện.
Comments ()