Góc nhìn người quan sát chủ quan trong nghệ thuật kể chuyện

Điểm cuốn hút khán giả chính là yếu tố cảm xúc gắn với nét tính cách điển hình của nhân vật chính và các tuyến nhân vật khác trong câu chuyện.

Góc nhìn người quan sát chủ quan trong nghệ thuật kể chuyện

Điểm cuốn hút khán giả trong cách kể chuyện theo góc nhìn chủ quan chính là yếu tố cảm xúc gắn liền với nét tính cách điển hình của nhân vật chính và các tuyến nhân vật khác trong câu chuyện.

Cùng Core Content tìm hiểu kỹ thuật kể chuyện này thông qua 5 yếu tố: cảm xúc, điểm nhấn chủ chốt, dòng thời gian, chất liệu và mục đích sử dụng. 

Cảm xúc 

Đây chính là “đặc sản” của lối kể chuyện theo góc nhìn chủ quan. Không có cảm xúc thì không có nhân vật chính. Nhân vật chính với nét tính cách điển hình được khắc họa thông qua cách ứng xử, hành vi, cách suy nghĩ và phản ứng sẽ góp phần tạo ra những cung bậc cảm xúc cho người xem. Cùng là một tình huống, nhưng nhân vật chính được chọn khác nhau, cách xử lý cũng khác nhau. 

Nhân vật được chọn trong câu chuyện rất quan trọng, mang đậm ý đồ nghệ thuật của tác giả khi truyền tải thông điệp đến người xem. Nhân vật chính có phổ biến trong cuộc sống hay không, bạn có dễ dàng bắt gặp mẫu người đó ngoài đời thực hằng ngày không? Hay nhân vật chính hoàn toàn khác biệt với số đông? Những điểm này sẽ là mấu chốt quyết định sợi dây cảm xúc được dệt xuyên suốt câu chuyện.

Điểm nhấn mấu chốt (thủ thuật)

Thủ pháp tâm lý được duy trì chính là điểm nhấn của lối kể chuyện này. Thủ pháp tâm lý là cách tác giả chọn tăng hoặc giảm trừ, hoặc che giấu, hoặc nghịch đảo nhằm mục đích đẩy giới hạn cảm xúc của nhân vật lên cao trào, cùng với khán giả. Nếu không có thủ pháp, khán giả không thể bước vào câu chuyện được - bởi vì rất khó để lay động khán giả nếu cảm xúc của nhân vật không mãnh liệt hơn họ.

Nói đơn giản, chính việc bạn yêu hay ghét một người khiến dấu vết về người đó in hằn trong bạn, xúc chạm đến những góc kín trong tâm hồn bạn. Nếu một nhân vật không có bất kỳ nét tính cách nào giống bạn, cũng không có vẻ giống lối sống một ai đó thân quen bên bạn, cũng không mới lạ cuốn hút bạn khiến bạn tò mò, thử hỏi tại sao bạn cần phải tiếp tục xem mẩu chuyện cuộc đời họ? Nhân vật là tổng hòa những thái cực cảm xúc đó - và được thủ pháp tâm lý nhấn mạnh thêm để giúp làm bật nó hơn nữa để chạm đến khán giả của câu chuyện.

Dòng thời gian

Dòng thời gian được sử dụng trong góc kể này là dòng thời gian lịch sử của cá nhân (không phải lịch sử của tập thể như “góc nhìn của người quan sát khách quan”). Nó vẫn đảm bảo tính liền mạch và liên tục nhưng chấp nhận những khoảng “che giấu” cố ý về mặt thời gian với ý đồ kể chuyện để hoàn chỉnh một bức tranh nhỏ hơn của nhân vật trong một bức tranh lớn.

Đoạn này có lẽ sẽ khiến bạn khó hiểu, kỳ thực rất dễ hiểu. Góc khuất cuộc đời nhân vật tức là tại thời điểm đó, có lý do để nhân vật chọn một lối hành xử dẫn đến hàng loạt sự kiện sai lầm hoặc khúc mắc xảy ra cho chính họ vào một thời điểm khác. Câu chuyện sẽ giải quyết điểm khúc mắc này cho nhân vật và làm dòng thời gian của anh/cô ta liền mạch trở lại.

Chất liệu

Chất liệu chính được sử dụng trong cách kể theo góc nhìn của người quan sát chủ quan chính là tuyến nhân vật được chọn trong câu chuyện. Nó bao gồm nhân vật chính và các nhân vật phụ xuất hiện xoay quanh nhân vật chính. Không có nhân vật phụ thì không thể khắc họa được trọn vẹn câu chuyện, đẩy nhịp điệu của câu chuyện đến cao trào. Không có nhân vật chính thì không có đường dẫn cảm xúc, câu chuyện sẽ rời rạc.

Tuyến nhân vật giống như một cái cây lớn, càng đầy đủ rõ rét thì cây kể chuyện càng vững chắc. Sự xuất hiện của mỗi nhân vật trong câu chuyện đều không thiếu không thừa.

Mục đích sử dụng

Cách kể này thường được áp dụng trong trường hợp nào? Vì là góc nhìn của người quan sát chủ quan (khác với góc nhìn của người quan sát khách quan), cách kể này thường được áp dụng trong các lối kể chuyện với mục đích nêu bật một vấn đề hay xảy ra, hoặc nhức nhối, hoặc gây khó khăn cho một nhóm người trong xã hội. Giúp người xem hiểu cái khó, nỗi khổ, tại sao và làm thế nào để thay đổi những “lát cắt” cá nhân điển hình đó trong khuôn khổ cuộc đời.

Ví dụ: các sản phẩm với mục đích trợ giúp một người vốn chưa bao giờ quan tâm đến vẻ bề ngoài của anh/cô ấy sẽ cần một câu chuyện nêu lên được thực trạng của người phụ nữ/đàn ông điển hình trong xã hội với những góc khuất riêng.  

Dù được áp dụng trong trường hợp nào thì mục đích của chúng vẫn là: nêu vấn đề và giải quyết được vấn đề đó cho người xem. Nếu vấn đề không được giải quyết thỏa đáng thì câu chuyện sẽ bị gãy.

Như vậy, Core Content đã chia sẻ cùng các bạn những điểm cơ bản trong cách kể chuyện theo góc nhìn của người quan sát chủ quan thông qua các tuyến nhân vật trong câu chuyện. Để hiểu rõ hơn và có các ý tưởng mới thú vị, bạn có thể xem video trải nghiệm “Cách kể chuyện thông qua nhân vật” tại kênh Youtube của Core Content nhé.