Góc nhìn người đồng hành trong nghệ thuật kể chuyện
Điểm thuyết phục chính là cách tác giả biểu đạt yếu tố đường dẫn - tức đường đi từ giai đoạn chưa biết đến biết của nhân vật chính.
Điểm thuyết phục khán giả trong cách kể chuyện theo góc nhìn đồng hành chính là cách tác giả biểu đạt yếu tố đường dẫn - tức đường đi từ giai đoạn chưa biết đến biết của nhân vật chính.
Cùng Core Content tìm hiểu kỹ thuật kể chuyện này thông qua 5 yếu tố: cảm xúc, điểm nhấn chủ chốt, dòng thời gian, chất liệu và mục đích sử dụng.
Cảm xúc
Cảm xúc vẫn đóng vai trò quan trọng trong lối kể chuyện thông qua góc nhìn của người đồng hành, nhưng nó không còn mang màu sắc chủ đạo nghệ thuật như trong lối kể chuyện theo góc nhìn người quan sát chủ quan. Cảm xúc ở đây là một chất liệu nằm trong đường dẫn nhằm nhấn mạnh sự bất lực của nhân vật trong việc giải quyết vấn đề của anh/cô ta chứ không nhằm mục đích thậm xưng như một thủ pháp tâm lý.
Nói cách khác, bởi vì câu chuyện không nhắm vào bản chất tính cách của nhân vật chính góp phần làm nên “hệ quả” cuộc đời anh/cô ấy; mà câu chuyện nhắm vào việc “thấu hiểu” giới hạn của nhân vật trong bối cảnh mà nhân vật trưởng thành khiến nhân vật chính không thể phát huy được hết tiềm năng hoặc sức mạnh của anh/cô ấy. Nó không liên quan nhiều đến nỗi khổ “tâm” của nhân vật mà liên quan đến nút thắt mà nhân vật không thể cởi bỏ vì nhiều lý do.
Điểm nhấn mấu chốt (thủ thuật)
Nút thắt - cách tạo nút thắt và gỡ bỏ nút thắt, giải quyết vấn đề là điểm nhấn mấu chốt của lối kể chuyện thông qua hành trình.
Dựa trên góc nhìn của người đồng hành và mức độ có thể đồng hành của tác giả dành cho nhân vật của mình mà kịch bản câu chuyện với các nút đóng mở có cường độ và mức độ khác nhau. Tác giả bắt buộc phải nhập vai thật sự vào nhân vật với những thủ pháp cá nhân riêng trong cách nhập vai, đồng thời sở hữu lối diễn đạt hợp lý hoá theo cách mà khán giả có thể hiểu được để kể lại những điều nhân vật đã trải qua.
Đây là một lối kể chuyện khó, bởi vì hai yếu tố: thứ nhất là tác giả không thể nhập vai mà chỉ “đọc được hoặc nghe kể lại” từ đâu đó dẫn đến rời rạc và mảng miếng trong kịch bản; thứ hai tác giả có thể nhập vai nhưng không thể sở hữu lối “biểu đạt lại” theo ngôn ngữ mà khán giả hiểu được dẫn đến khó hiểu trong cách nắm bắt vấn đề, thậm chí không logic và hợp lý khiến người xem hoang mang.
Dòng thời gian
Dòng thời gian được sử dụng trong góc kể này là dòng thời gian hồi quy trở lại (đơn tuyến hoặc đa tuyến). Tác giả “lấy lại ký ức” cho nhân vật và cho chính mình. Không có khoảng thời gian bị che giấu như trong lối kể chuyện thông qua góc nhìn người quan sát chủ quan mà khoảng thời gian liên tục mới có giá trị trong lối kể này. Tác giả lấy lại ký ức càng nhiều và rõ thì thời gian kể lại càng cuốn hút.
Dễ hiểu hơn, thời gian trong lối kể chuyện này là thời gian thuộc về tâm trí của nhân vật chính và người mà anh/cô ta đồng hành. Ví dụ, nếu nhân vật của bạn bị cuốn vào dòng thời gian cách đây 100 năm (luôn liên quan đến người hướng dẫn con đường đi cho anh/cô ta) thì cách kể lại sẽ theo dấu ấn đó pha trộn với dòng thời gian của nhân vật chính.
Chất liệu
Chất liệu chính được sử dụng trong cách kể theo góc nhìn của người đồng hành là chất lượng trải nghiệm của câu chuyện.
Nó bao gồm sự pha trộn của tất cả các yếu tố về cảm xúc, sự liền mạch (dù là đơn tuyến hay đa tuyến), tính logic, quan điểm dùng để giải thích câu chuyện, v.v… mà tuyến nhân vật chỉ là một phần trong đó.
Mục đích sử dụng
Cách kể này thường được áp dụng trong các lối kể chuyện với mục đích trình bày một góc nhìn (đặc biệt, mới lạ), một quan điểm (thường là khác biệt với số đông hoặc không/chưa được số đông biết đến), những câu chuyện về hành trình của người anh hùng, hoặc đơn giản là một chia sẻ (trải nghiệm có giá trị). Thường giúp người xem có được những góc nhìn đa chiều, đi sâu vào nhiều chiều kích của thế giới.
Như vậy, Core Content đã chia sẻ cùng các bạn những điểm cơ bản trong cách kể chuyện theo góc nhìn của người đồng hành. Để hiểu rõ hơn và có các ý tưởng mới thú vị, bạn có thể xem video trải nghiệm “Cách kể chuyện thông qua hành trình” tại kênh YouTube của Core Content nhé.
Comments ()