Enneagram là gì và áp dụng vào nghệ thuật kể chuyện như thế nào?
Enneagram là gì?
Enneagram được xem là một kỹ thuật phân loại tính cách cổ xưa có từ ít nhất 2500 năm. Đây là một công cụ giúp con người nhìn nhận sâu vào bên trong bản thân mình, biểu tượng Enneagram đã có nguồn gốc từ thời Hy lạp cổ đại. Ngày nay, mô hình tính cách theo Enneagram đã được sử dụng thành công trong một số lĩnh vực bao gồm liệu pháp tâm lý, giáo dục, y học, chủ yếu giúp mọi người phát triển và nâng cao nhận thức về bản thân.
Khi nhìn nhận bản thân theo Enneagram, chúng ta sẽ có được cái nhìn sâu sắc về hành vi và động cơ của chính mình, để biết bản thân thuộc nhóm tính cách nào. Nhờ hiểu được điều này, ta lý giải được những thói quen trong cuộc sống, từ đó làm dịu đi các mối quan hệ cá nhân và công việc, tạo điều kiện sống dung hòa trong một nhóm.
Enneagram cũng có thể làm nổi bật điểm mạnh và điểm yếu cụ thể của một người, cung cấp những góc nhìn được xem như lời khuyên về cách giải quyết điểm yếu của bản thân. Bên cạnh đó, khi tìm hiểu sâu hơn, nó cũng đem đến những lời khuyên khi áp dụng điểm mạnh trong những “đấu trường” không phù hợp hoặc quá đề cao điểm yếu mà hạn chế tiềm năng phát triển.
Mô hình Enneagram trông như thế nào?
Biểu tượng Enneagram là một hình tròn bao quanh chín điểm cách đều nhau được nối bằng chín đường thẳng cắt nhau. Những người thực hành Enneagram coi nó như một liên kết quan trọng giữa tâm lý và tinh thần. Lý thuyết Enneagram xác định động lực và tiếng gọi bên trong của từng loại tính cách. Enneagram cho rằng con người có thể được phân loại thành chín loại tính cách chính điển hình.
Enneagram được sử dụng rộng rãi như một công cụ để nâng cao nhận thức về bản thân và sự phát triển bản thân. Một số tôn giáo các tổ chức sử dụng nó để phát triển và nâng cao hiểu biết về mặt tâm linh.
9 loại tính cách theo Enneagram
Kiểu 1 - Người cầu toàn
Kiểu một trong Enneagram có thể được mô tả là cá nhân duy tâm lý trí. Những người này sống theo nguyên tắc, có mục đích và tự chủ. Mong muốn cơ bản của kiểu người cầu toàn là làm điều tốt cho thế giới và sống một cuộc sống cân bằng. Những người này rất quan tâm đến cách người khác nhìn nhận về họ.
Những người cầu toàn có ý thức mạnh mẽ về đúng sai, và kiên định với các giá trị tôn giáo và đạo đức đã chấp nhận và được giáo dục. Những giá trị này theo thời gian, lại thường khiến họ không hài lòng với thực tế.
Kiểu 2 - Người Giúp Đỡ
Đây là những người có mong muốn cơ bản là cảm thấy được yêu thương. Những người thuộc nhóm 2 toát lên tính cách đồng cảm thể hiện ở sự chu đáo và nhạy cảm đối với người khác. Nhưng họ cũng mong đợi sự đền đáp cho những việc làm tốt của mình và sẽ cảm thấy đau khổ, tổn thương, tức giận nếu những việc làm tốt của họ không được ghi nhận bằng hành vi cụ thể từ người khác.
Sự thể hiện cảm xúc thái quá của họ đôi khi che giấu cảm xúc thật và cơn giận ngầm bên trong. Việc cho đi quá mức này cũng thường bộc lộ xu hướng trốn tránh và có thể dẫn đến kiệt sức về thể chất và cảm xúc về lâu dài.
Kiểu 3 - Người tham vọng
Những người kiểu 3 có thể được mô tả là tự tin, thích nghi, năng động, và hướng ngoại. Họ có lòng tự trọng cao, rất tự hào về bản thân và năng lực vượt trội của mình. Đây là kiểu người gần nhất với “tính cách tự luyến”, thường đi kèm với hành vi phô trương và quyến rũ.
Người thuộc nhóm ba đôi khi có xu hướng sử dụng phương tiện cơ hội và khai thác chúng để duy trì nhận thức của họ về sự vượt trội của bản thân. Trong quá trình tìm kiếm hình ảnh hoàn hảo, kiểu 3 khao khát sự khẳng định và luôn muốn trở thành trung tâm của sự chú ý.
Bất kỳ sự bất an nào mà những người thuộc nhóm ba gặp phải đều bị che giấu và bù đắp bằng sự kiêu ngạo của họ. Tuy nhiên, những người thuộc nhóm 3 phục hồi nhanh chóng sau những thất bại nhờ bản chất lạc quan.
Kiểu 4 - Lãng mạn
Mong muốn cơ bản của kiểu 4 là “tìm thấy chính mình” và bộc lộ ý nghĩa độc đáo, khác biệt của họ. Kiểu 4 có định hướng nghệ thuật, lãng mạn trong cuộc sống, thường tạo ra những môi trường đẹp đẽ và thẩm mỹ xung quanh họ. Họ có khả năng truyền cảm hứng phi thường, được thể hiện trong các tác phẩm nghệ thuật, văn học hoặc âm nhạc.
Kiểu 4 khao khát một kết nối cảm xúc sâu sắc trong mọi trải nghiệm của họ. Vì vậy, họ bị thu hút bởi những tình huống u sầu và dữ dội bao gồm đau buồn, cái chết và trầm cảm.
Họ thầm ghen tị vì người khác có "một cái gì đó" mà họ không có nhưng điều này lại rất mơ hồ. Do đó, những người nhóm 4 phát triển nỗi ám ảnh về yếu tố “không thành toàn” này trong cuộc sống của họ: người yêu, bạn bè hoặc giấc mơ chưa thành hiện thực. Sự bận tâm này khiến họ trải qua những tâm trạng u ám, trống rỗng và tuyệt vọng.
Kiểu 5 - Người quan sát
Người kiểu 5 được đặc trưng bởi khả năng độc đáo là tách mình khỏi cảm xúc, nhu cầu và đám đông (mọi người). Khả năng này nảy sinh để đáp ứng lại nỗi sợ hãi cơ bản của họ là bị thế giới lấn át (một dạng cảm thức bị tan ra). Kiểu 5 cấu trúc cuộc sống theo cách khiến họ trở thành độc lập nhất có thể.
Sự tách biệt khiến họ có xu hướng suy nghĩ hơn là hành động và quan sát hơn là tham gia. Định hướng nhận thức như vậy dẫn đến việc trì hoãn hành động và trì hoãn cảm xúc. Thay vì trải nghiệm cảm xúc, họ muốn hiểu cảm xúc.
Họ đặc biệt quan tâm đến các hệ thống phân tích giải thích hành vi của con người. Việc bận tâm với suy nghĩ thường khiến nhóm 5 bỏ bê sức khỏe thể chất và ngoại hình của mình. Họ không kiên nhẫn với những bữa tiệc lớn, nhạc lớn, cảm xúc thái quá hoặc bất cứ điều gì khác mà họ xem là xâm phạm quyền riêng tư.
Kiểu 6: Người trung thành
Kiểu 6 tượng trưng cho kiểu người tận tụy, hướng đến sự an toàn, hết lòng cống hiến cho các cá nhân và phong trào mà họ tin tưởng duy trì phát triển bền vững. Họ chăm chỉ và kiên trì trong hành trình tìm kiếm sự ổn định và an ninh. Họ thể hiện tiềm năng lớn trong việc gắn kết tình cảm với người khác và coi trọng sự đồng nhất nhóm, tính hòa đồng, sự chăm chỉ và cam kết thực hiện những nỗ lực lớn hơn trong một tập thể.
Những người thuộc nhóm 6 luôn tìm kiếm một người có thẩm quyền mà họ có thể tin tưởng nhưng cũng tin rằng hầu hết những người có thẩm quyền đều lạm dụng họ bằng quyền lực. Do đó, họ được gọi là "những người hoài nghi trung thành". Chính sự nghi ngờ và lo lắng này khiến họ không còn tâm trí để tận hưởng niềm vui và hạnh phúc từ thành công đang có.
Điều bắt buộc đối với những người nhóm 6 là phải có một hệ thống hỗ trợ. Họ có xu hướng là những người ít độc lập nhất trong tất cả các loại.
Kiểu 7 - Người nhiệt huyết (đam mê)
Kiểu 7 là những người "thích vui vẻ", tự phát, hướng ngoại, và nhiệt tình. Nhóm này có xu hướng thực tế, hiệu quả và thích đấu trí. Họ muốn duy trì sự tự do và hạnh phúc của mình, để đắm mình vào những điều có giá trị kinh nghiệm, và để giữ cho mình chuỗi phấn khích và bận rộn liên tục. Tin tưởng chắc chắn rằng cuộc sống là một cuộc phiêu lưu mang lại những khả năng vô hạn, kiểu 7 luôn nhìn thấy mặt tươi sáng trong mọi tình huống.
Họ là những người có ý tưởng liên tục, gợi lên những viễn cảnh và tiềm năng vô hạn. Họ là những người coi trọng các lựa chọn hơn là kết quả và điều này khiến họ gặp khó khăn khi cam kết với các nhiệm vụ và con người. Họ thường bị coi là theo chủ nghĩa khoái lạc và tham lam. Những phẩm chất này bắt nguồn từ nhu cầu duy trì mức độ phấn khích cao và từ “chủ nghĩa thoát ly hợp lý” để tránh những nhiệm vụ khó khăn hoặc hạn chế.
Kiểu 7 tìm kiếm những người sẽ ngưỡng mộ họ và do đó họ là những cá nhân dễ bị nịnh hót. Mong muốn thay đổi và đa dạng của họ thường chuyển thành sự hiếu động thái quá, sự hời hợt và bốc đồng. Thỏa mãn tức thời là đặc điểm của kiểu bảy.
Kiểu 8 - Người Thách Thức
Đây là kiểu "thống trị mạnh mẽ”. Những người kiểu 8 có xu hướng tự tin, quyết đoán, cố chấp và thích đối đầu. Họ được thúc đẩy bởi sự tự chủ, độc lập về tài chính và quyền lực. Những người kiểu 8 thích gây ảnh hưởng theo cách áp chế sức mạnh mình đang có lên những người xung quanh.
Họ thường không quan tâm đến việc được yêu thích, với họ sự tôn trọng quan trọng hơn. Họ làm mọi cách để trông có quyền lực trong mọi tình huống và thường có xu hướng thổi phồng sự hiện diện của mình khi ở cùng người khác. Mong muốn thống trị của người số 8 thường khiến họ bị coi là vô cảm và thích trừng phạt.
Họ có xu hướng hung hăng và thể hiện sự tức giận một cách công khai. Kiểu 8 nhìn thế giới theo hướng phân đôi: công bằng hoặc bất công, mạnh hoặc yếu, tốt hoặc xấu - Không có lập trường trung dung. Họ không thể chịu đựng được sự mơ hồ hay thiếu thông tin, không kiên nhẫn với ngay cả những sự giám sát nhỏ nhặt nhất từ phía người khác. Kiểu 8 rất nhiệt tình thực thi những quy tắc phù hợp với chương trình “nghị sự cá nhân” của họ và trắng trợn bẻ cong những quy tắc không phù hợp.
Kiểu 9 - Người hòa giải
Những người kiểu 9 có xu hướng dễ tính, dễ tiếp thu, dễ chịu và tự mãn. Họ kiên nhẫn và khiêm tốn, tỏa ra bình tĩnh và hài lòng thường trực. Những người nhóm 9 rất sợ xung đột và có xu hướng tự hạ mình xuống và dễ thích nghi. Kiểu 9 gặp khó khăn trong việc duy trì quan điểm cá nhân, nhưng họ lại dễ dàng đồng cảm và ủng hộ quan điểm của người khác.
Thường thì họ khó có thể tìm ra được điều họ muốn. Họ cũng sợ rằng mong muốn của họ xung đột với mong muốn của người khác. Muốn cuộc sống được hài hòa và thoải mái, kiểu 9 phát triển sự chấp nhận sâu sắc mọi loại người và nhiều quan điểm khác nhau. Họ cảm thấy tràn đầy năng lượng bởi sự nhiệt tình của người khác.
Kiểu 9 cũng thường thể hiện sự ưu tiên cho các quy trình đã định trước. Họ luôn tìm kiếm sự bình yên hòa hợp, và sự theo đuổi này có xu hướng khiến họ quá thụ động. Họ thường tham gia vào các hoạt động như xem ti vi, ngủ nhiều giờ hoặc làm việc trên máy tính để kìm nén cảm giác lo lắng và sự bất hòa.
Áp dụng Enneagram vào nghệ thuật kể chuyện
Các khía cạnh tâm linh và triết học của Enneagram thực sự truyền cảm hứng và hấp dẫn. Tuy nhiên, trong các chia sẻ tại Core Content, mình chỉ giới hạn sự quan tâm vào cách mà Enneagram có thể nêu bật được các nét tính cách điển hình của một người trong bối cảnh xã hội. Cụ thể là cách nó lý giải hành vi tích cực, hành vi tiêu cực của con người theo 9 nhóm. Dựa vào đó, Core Content đưa đến những thử thách mà một loại tính cách điển hình cần vượt qua để có thể phát huy được hết tiềm năng của chính họ.
Nhờ vào những kiến thức thú vị và cuốn hút từ Enneagram, Core Content xây dựng chúng thành những “lát cắt” tính cách của 9 loại người, nhằm đem đến cho các bạn một góc nhìn toàn cảnh ở mức độ sơ khởi nhất thông qua 9 video kể câu chuyện của 9 nhân vật theo Enneagram.
Hy vọng sẽ giúp được các bạn trong việc hình dung rõ ràng hơn về từng loại người khi áp dụng xây dựng nhân vật trong các kịch bản, truyện hoặc bất cứ mục đích nào phục vụ cho sự sáng tạo của các bạn.
Video về 9 nhân vật thuộc 9 loại tính cách này được chia sẻ trong chuyên mục Story Flow tại kênh YouTube Core Content, các bạn hãy theo dõi nhé.