Bắt chước sao cho sáng tạo?

Tạo sao cũng là bắt chước lại một điều gì đó đã có nhưng người này được khen là sáng tạo, và người khác lại bị lên án vì hành vi bắt chước?

Kiến thức là sự lặp lại của tri thức

Kiến thức lặp lại cái gì? Nó lặp lại tri thức cộng đồng dưới một hình thức biểu đạt mới. Nó là sự phát triển, là hiện tại và là tương lai - được phản chiếu lại qua lăng kính sáng tạo của chúng ta. Không có kiến thức mới hình thành theo từng giai đoạn mới, chúng ta không thể phát triển thành người văn minh. Thế nhưng, nếu không có được sự lĩnh hội thông qua quá trình nhận thức thì con người không thể sáng tạo bất cứ cái gì.

Con người không đến từ hư vô, chúng ta có cội nguồn. Kiến thức cũng không đến từ một “cái siêu tôi” riêng biệt nào đó (hay còn gọi là cái “ngã”), nó chỉ đến thông qua quá trình được toàn bộ con người chúng ta lĩnh hội. Toàn bộ quá trình đó không diễn ra riêng lẽ để bóc tách từng phần, bạn phải thực hiện nó trong một tiến trình từng bước.

Vì thế, sự lặp lại chính là sự bắt chước thông qua hồi tưởng có chủ tâm. Nghĩa là chúng ta không tưởng tượng bâng quơ một thứ kiến thức từ trên trời rơi xuống; nhưng cũng không mất đi ý thức về thực tại. Nói vui là chúng ta không “ngáo ngơ” và chúng ta cũng không “điên loạn”. Chỉ khi đạt được cả hai trạng thái này cùng lúc, sự sáng tạo thực sự mới xuất hiện. Vì thế mà Thomas Edison từng có câu châm biếm nổi tiếng: “Thiên tài chỉ một phần trăm là cảm hứng và 99 phần trăm là mồ hôi”. Phải chăng thiên tài cũng chỉ là người bắt chước siêu “đỉnh” mà thôi.

Bắt chước có chủ tâm

Tôi rất thích lý thuyết học tập nhận thức xã hội do Albert Bandura (sinh năm 1925) một nhà tâm lý học người Mỹ, đại diện tiêu biểu của lĩnh vực nghiên cứu lý thuyết học tập xã hội - khởi xướng. Ông cho rằng học tập có thể diễn ra trên cơ sở quan sát hành vi của người khác và kết quả (hậu quả) của hành vi đó. Học tập chỉ xảy ra khi các phản ứng thật sự được thực hiện và kết quả của chúng được người học trải nghiệm - và nó lại phản ánh quá trình “hồi phục sự chú ý” của người học.

Điều đó thật sự thú vị và là điểm mấu chốt cho sự bắt chước một cách sáng tạo. Bắt chước và sáng tạo không hề mâu thuẫn với nhau như lớp vỏ ngôn từ đã “tráng lên” những khái niệm này một lớp ý niệm dày. Bắt chước sáng tạo là bắt chước có chủ tâm: bạn biết tạo sao bạn bắt chước - để hoàn tất tiến trình học hỏi của riêng bạn. Bạn phải làm chủ quá trình tâm lý của riêng bạn bởi vì khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là chống lại sự sáng tạo (Scott Belsky - trong cuốn “Making Ideas Happen" - Biến ý tưởng thành hiện thực).

"Khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là chống lại sự sáng tạo" (Scott Belsky)

Albert Bandura đưa ra 4 bước cơ bản của học tập nhận thức xã hội: chú ý, ghi nhớ, tái tạo lại và lặp lại sự tái tạo đó một cách có động cơ.

  • Chú ý: là yếu tố đầu tiên để bắt chước một kết quả từ ai đó. Sự chú ý là cách mà một người quan sát đối tượng mình học hỏi một cách có chủ tâm. Nó thể hiện ở việc cá nhân quan sát đó nhận ra được các “dấu hiệu ẩn” quan trọng mà đối tượng ta chọn quan sát để lại trong quá trình thực hiện hành vi. Và đồng thời, ngay sau đó cá nhân này (tức người học) quyết định lựa chọn thực hiện dấu hiệu nào trong số những dấu hiệu đã thu nhận được để mã hoá.
  • Ghi nhớ: là cách cá nhân đó mã hoá bằng biểu tượng, hay ký hiệu riêng từ những dấu hiệu đã thu nhận được trong quá trình quan sát học tập. Có hai công cụ mã hoá thường được dùng là tưởng tượng và ngôn ngữ.
  • Tái tạo lại: là cách mà cá nhân học tập mô phỏng lại hành vi gốc được quan sát.
  • Lặp lại sự tái tạo: là cách mà cá nhân đó tận dụng những động cơ thúc đẩy để tìm ra cách thực hiện lại hành vi đang học.

Càng bắt chước càng tự do

Nhiều người sẽ “ồ lên” khi nhận ra khởi đầu của sự bắt chước luôn là “cơn bão khó chịu âm ỉ”. Để giảm tải sự khó chịu này, ban đầu bạn có thể tìm những đối tượng phù hợp với tính cách của mình để học theo. Điều này giúp bạn tiết kiệm năng lượng. Thế giới hiện đại của chúng ta luôn trong tình trạng quá tải thông tin và đòi hỏi sự kết nối liên tục trong từng phút giây. Vì thế, bạn phải quản lý năng lượng của mình một cách khôn ngoan để không rơi vào dòng thác đổ của những sự kiện.

Theo thời gian, sự bắt chước của bạn sẽ tiến bộ, khi đó sự khó chịu cũng giảm đi và dần biến mất. Việc học của bạn sẽ đến một cách tự nhiên, bạn dễ dàng nhận ra những dấu hiệu ẩn bên trong, đồng thời cũng đối chiếu nhanh chóng với kinh nghiệm được tích lũy của chính mình. Khi đó, bạn có toàn quyền lựa chọn dấu hiệu nào sẽ được bạn biến nó thành hành động - một cách cũng tự do không kém.

Bạn sẽ hỏi tôi “dấu hiệu ẩn” là gì, hẹn sẽ giải thích cụ thể cho các bạn trong một bài viết khác.

💡
Để tương tác với người viết, mời bạn comment trực tiếp ngay bên dưới hoặc email về hộp thư: corecontent.net@gmail.com