Storytelling và 8 nghệ thuật kể chuyện đỉnh cao
8 nguyên tắc ngầm ẩn của nghệ thuật kể chuyện này sẽ giúp người học tự do áp dụng trong mọi ngành nghề và gặt hái thành công.
Cuộc sống không thể thiếu câu chuyện, và câu chuyện lại không thể thiếu các nguyên tắc. Robert McKee (giảng viên, nhà tư vấn kinh doanh, đạo diễn phim, diễn giả) đã nhìn ra ra 8 nguyên tắc ngầm ẩn này trong tác phẩm nổi tiếng của mình “Story: Style, Structure, Substance, and the Principles of Screenwriting”.
Robert McKee không bao giờ áp đặt một kỹ thuật cụ thể nào cho việc giảng dạy nghệ thuật kể chuyện, thay vào đó ông luôn truyền đạt các nguyên tắc để người học tự do áp dụng trong mọi ngành nghề và gặt hái thành công.
Core Content sẽ chắt lọc và tái thể hiện lại 8 nguyên tắc tuyệt vời mà Robert McKee đã đúc kết từ một thế kỷ viết phim và lao động miệt mài của ông trên khắp thế giới.
1. Bám vào nguyên tắc, phát triển cùng với câu chuyện
Nguyên tắc ra đời để giúp mọi thứ được vận hành tốt nhất. Nguyên tắc không có đúng hay sai mà là có hiệu quả hay không. Một câu chuyện hay không phải vì nó được mô phỏng theo một kịch bản “được làm tốt” ở tất cả các bước.
Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn sẽ phát triển cùng với câu chuyện, giúp các nhân vật từng bước thể hiện mình và giúp khán giả không chỉ theo dõi các nhân vật, mà hoà vào dòng chảy của nhân vật, trở thành một phần của câu chuyện.
Nguyên tắc nâng đỡ cảm xúc của tất cả mọi người trong dòng chảy mà nó đi qua. Người làm marketing nếu nắm được cách vận hành này, sẽ đưa sản phẩm của mình vào trái tim của khách hàng bằng những thông điệp gợi mở.
“Nguyên tắc là để làm chủ nó, không phải phá vỡ nó.” (Robert McKee)
2. Kể về nguyên mẫu (Archetype)
Các bạn có từng đặt câu hỏi tại sao một câu chuyện được kể ở Paris lại gây ra phản ứng di truyền đến tận nơi cách nó một vòng trái đất? Tại sao chúng ta quan tâm đến vụ kiện triệu USD chấn động nước Mỹ của Johnny Depp - Amber Heard nếu nó không có chút gì liên quan đến chúng ta? Cả Johnny Depp và Amber Heard đều phải kể một câu chuyện về cuộc đời của chính họ. Và Johnny Depp đã thắng vì kể câu chuyện chạm đến trái tim nhiều người hơn: người đàn ông tuy mạnh mẽ nhưng cũng dễ bị tổn thương như bất kỳ ai khi nói ra sự thật về mối quan hệ đầy rối nhiễu cảm xúc với vợ mình. Nguyên mẫu “người đàn ông dễ bị tổn thương” của Johnny Depp đã thắng nguyên mẫu “phụ nữ Mỹ tự do phát ngôn” của Amber Heard.
Mấu chốt của nguyên mẫu trong nghệ thuật kể chuyện chính là “sự thật của nhân vật chính có chạm đến sự thật của khán giả hay không?”. Nếu có, nó là sự thăng hoa hoặc bùng nổ cảm xúc - giấc mơ của mọi người kể chuyện.
“Bên trong thế giới xa lạ này, ta tìm thấy chính mình; sâu bên trong những xung đột của họ ta khám phá ra một điều gì đó về bản thân. Ta không trốn tránh cuộc sống mà tìm kiếm cuộc sống.” (Robert McKee)
3. Không có công thức bí mật nào, chỉ có cảm xúc được chạm đến
Không có sẵn một công thức, cẩm nang cho câu chuyện hoàn hảo, mải mê tìm kiếm công thức là một trò đùa. Công thức tìm thấy qua sự dấn thân, nói cách khác, tất cả các khái niệm về mô hình câu chuyện hoàn hảo để thành công về mặt thương mại hay danh tiếng đều là vô nghĩa.
Nghệ thuật kể chuyện giúp gợi nên cảm xúc và gây ra phản ứng dây chuyền được xây dựng không phải từ công thức - nó là “sự giải phóng” những cảm xúc bị dồn nén, đóng băng hoặc “chạm đến” những cảm xúc ẩn sâu, nấp kỹ. Qua câu chuyện, khán giả được bộc lộ chính mình - dù đó là những phần tăm tối nhất. Nhờ câu chuyện, khán giả tìm thấy chính mình - dù đó là những vết thương được chôn sâu giấu kỹ.
“Nghệ thuật kể chuyện là nơi mà thông qua nó, tiềm năng được giải phóng” (Robert McKee)
4. Không mưu cầu hoàn hảo mà hướng đến sự trọn vẹn, thống nhất
Rất hiếm để có cái gọi là “kịch bản chỉ viết một lần”, nó là thứ được gọi là “cơ hội một phần ngàn”. Muốn viết được một kịch bản hấp dẫn cho câu chuyện, người viết phải trải nghiệm, thử đi thử lại và tàn nhẫn với mong muốn “giữ đoạn này lại! cả đoạn này nữa!” để cắt bỏ mọi chi tiết thừa thãi.
“Sự ngắn gọn cần có thời gian, và xuất sắc không gì khác hơn chính là sự kiên trì.” (Robert McKee)
5. Không tìm cách che đậy mà tìm cách tháo gỡ
Một nhà biên kịch làm người ta cảm động bằng một phân cảnh với ý nghĩa được toát lên. Một nhà văn làm người ta cảm động bằng giọng văn đầy cảm xúc của người thực sự trải nghiệm chứ không phải lớp ngôn từ bóng bẩy. Một nhà viết kịch làm người ta nổi da gà bởi cái bóng ẩn sau lời nói của mình. Nghệ thuật kể chuyện hàm chứa sự thật sẽ chạm đến tất cả các giác quan mọi đối tượng tham gia và đưa chúng ra ánh sáng. Ngược lại sự che đậy không mang lại gì ngoài lối kể chuyện vòng vo và một cái kết gây nhàm chán.
6. Không ngừng làm chủ nghệ thuật kể chuyện
Không ai có thể dạy bạn cái gì sẽ bán được, cái gì sẽ không, cái gì sẽ thành công hay thất bại, bởi vì không ai biết rõ nội tình ngoài chính bạn.
Đừng ngồi đó và lo lắng rằng kịch bản này của tôi liệu có “chắc thắng” trên thị trường hôm nay hay không. Hãy tự hỏi “Bạn có tự tin kiểm soát được câu chuyện của mình hay không?”. Nếu câu trả lời là “Có” - sân chơi là của bạn. Nếu kết quả không như mong đợi, tìm ra lỗi sai, học bài học kinh nghiệm, trau dồi thêm kiến thức và tiếp tục tiến lên.
“Dồn sức để sáng tạo, đừng dồn sức để lo lắng về tỉ lệ cược của thị trường.” (Robert McKee)
7. Tôn trọng khán giả
Khán giả của bạn không phải những đứa trẻ không bao giờ lớn, họ trưởng thành và nhận ra chính mình từng ngày. Người nắm được nghệ thuật kể chuyện luôn phải hiểu điều này để sẵn sàng ứng phó với mọi vấn đề khán giả tạo ra mà vẫn phát triển được đường hướng của câu chuyện. Bạn không ba phải không có nghĩa là bạn cố hữu.
“Không có bộ phim nào thành công mà không hiểu và dự đoán được phản ứng của khán giả. bạn phải định hình câu chuyện của mình theo cách vừa thể hiện tầm nhìn của bạn, vừa đáp ứng mong muốn của khán giả. Khán giả là lực lượng quyết định câu chuyện.” (Robert McKee)
8. Tìm kiếm sự độc đáo, không trùng lặp
Robert McKee nhắc những người kể chuyện rằng “Đừng nhầm lẫn sự lập dị với sự độc đáo”. Theo ông tính độc đáo là sự kết hợp giữa nội dung và hình thức - lựa chọn đặc biệt về chủ đề - cộng với cách kể chuyện hấp dẫn, cuốn hút. lẫn nhau. Trong một câu chuyện độc đáo, tất cả được truyền cảm hứng và ảnh hưởng lẫn nhau.
Đặc biệt, ông đề cao “tầm nhìn sâu sắc” giúp câu chuyện trở nên “duy nhất”. Ngược lại với góc nhìn dễ dàng được khán giả đoán trước thì câu chuyện sẽ phải cần đến một khuôn mẫu hành vi được khắc hoạ ấn tượng để dẫn dắt mạch truyện. Và đặc biệt nếu thiết kế một câu chuyện sáng tạo thì đòi hỏi mọi thứ phải mới mẻ như nhau: nhân vật, ý tưởng và cả khuôn mẫu.
Nghệ thuật kể chuyện không chỉ là bạn phải nói gì mà còn là cách bạn nói. (Robert McKee)
Kết luận
Core Content biết rằng các nguyên tắc khi mới đọc lần đầu sẽ rất khó hình dung. Bởi vì chúng đều được Robert McKee nhận ra từ bên trong mạch truyện, sau đó khái quát hoá lên thành khái niệm. Để hiểu nó, bạn nên tìm ngay một kịch bản kể chuyện (của mình hoặc ở đâu đó trên công cụ tìm kiếm), sau đó quan sát xem kịch bản ấy đã thoả được bao nhiêu nguyên tắc, và tại sao. Điều này sẽ giúp quá trình tiếp thu diễn ra dễ dàng hơn.
Các bạn có thể đọc thêm các bài cùng thể loại trong chuyên mục Storytelling.
Lưu giữ một phiên bản kể chuyện bằng hình ảnh phiên bản đầy đủ, lấy nó ngay bên dưới.
Comments ()