Hiểu 8 hệ thống số nhà não giúp phát triển năng lực não mạnh mẽ hơn

Hệ thống số nhà não là cách các số nhà não liên kết với nhau để cùng nhau phát triển mạnh mẽ thành những “con đường” riêng biệt.

Hiểu 8 hệ thống số nhà não giúp phát triển năng lực não mạnh mẽ hơn

Nếu xem não như một tấm bản đồ thì mỗi số nhà não là một địa điểm “nội khu” đóng những vai trò khác nhau với những chức năng riêng biệt.

Số nhà não là gì?

Nguyên mẫu của số nhà não xuất phát từ Vienna vào thế kỷ 18, thời đại mà Mozart đã cống hiến cho thế giới những tác phẩm tuyệt vời. Cùng sinh sống tại Vienna lúc đó, một bác sỹ người Đức - Tiến sĩ Franz Gall, từ việc hứng thú với hộp sọ dần dần trở nên quan tâm tìm hiểu cả bộ não. Sau đó, ông khám phá ra việc chức năng của não khác nhau tùy theo từng vị trí.

Khái niệm số nhà não được tiến sĩ y khoa Kato Toshinori theo đuổi lâu năm để nghiên cứu sâu và phát triển thành các khái niệm rõ ràng và chi tiết sau nhiều năm miệt mài tìm hiểu. Kết quả là ông đã chia ra được tổng cộng 120 số nhà não - não trái não phải, mỗi bên có 60 số nhà. Mỗi số nhà não gắn với các chức năng chuyên biệt.

Ví dụ số nhà 20, 28 liên quan đến trí nhớ; số nhà 44, 45 là giao tiếp; số nhà 38,40 là nhận thức.

Hệ thống số nhà não là gì?

Hệ thống số nhà não là cách các số nhà não liên kết với nhau để cùng nhau phát triển mạnh mẽ thành những “con đường” riêng biệt như những mạng lưới phát triển theo năm tháng. Nói cách khác, thông qua liên kết, các số nhà não phát huy tối đa sức mạnh của mình.

Cho dù số lượng tế bào có giảm đi vì lão hoá, nhưng nếu liên kết giữa các số nhà não phát triển thì liên kết giữa các tế bào thần kinh sẽ trở nên mạnh mẽ, do đó chức năng của não sẽ được tăng cường hơn.

Nếu chúng ta hiểu được cách mà những mối liên kết ngầm này diễn ra như thế nào, cơ hội phát triển tâm trí để thực hiện các công việc: làm việc, học tập và sáng tạo sẽ tạo ra nhiều bước chuyển biến mạnh.

Hệ thống số 1 - Số nhà não hệ tư duy

Số nhà não hệ tư duy nằm ở phần thuỳ trán của hai bên não trái và não phải; liên quan chặt chẽ tới suy nghĩ của con người. Thuỳ trán kiểm soát các kỹ năng nhận thức quan trọng như: suy nghĩ, động lực, sáng tạo. Chính vì vậy đặc trưng của số nhà não hệ tư duy là tập trung nhiều chức năng như khát khao mạnh mẽ muốn trở nên một phiên bản nào đó, hoặc tập trung cao độ vào một điều gì đó.

Hệ thống số 2 - Số nhà não hệ cảm xúc

Bộ phận chi phối cảm xúc của não gọi là “hạch hạnh nhân” - hạch này cũng đóng vai trò trung tâm của số nhà não hệ cảm xúc. Số nhà não ở não trái dùng ngôn ngữ như “Tôi thích (ghét) bạn” để kích thích cảm xúc. Còn ở não phải lại khơi gợi các cảm xúc mơ hồ, chưa xác định rõ ràng kiểu “Có thể mình thích, mà cũng có thể là ghét”. Đặc trưng lớn của số nhà não hệ cảm xúc là phát triển liên tục trong suốt cả cuộc đời, hơn nữa lại lão hoá chậm. Số nhà não hệ cảm xúc và tư duy có mối liên hệ tương quan với nhau.

Hệ thống số 3 - Số nhà não hệ truyền đạt

Số nhà não hệ truyền đạt phụ trách hoạt động giao tiếp. Không chỉ bằng con đường “lời nói”, mọi cách thức thực hiện hành vi giao tiếp với người khác như viết ra giấy, thư từ, ngôn ngữ cơ thể, biểu tượng ngầm ẩn, v.v.. đều thuộc phạm vi hoạt động của số nhà não hệ truyền đạt.

Não trái phục trách ngôn ngữ nên trong trường hợp truyền đạt bằng lời nói thì số nhà não hệ truyền đạt của não trái được sử dụng. Còn trường hợp phi ngôn ngữ thì số nhà não hệ truyền đạt của não phải được sử dụng. Nói cách khác, người có số nhà não thuộc não trái càng phát triển thì càng khéo nói. Những nghề nghiệp mà số nhà não hệ truyền đạt dễ dàng phát triển là: kinh doanh, bán hàng, người dẫn chương trình, giáo viên, nhà truyền giáo, mục sư, v.v..

Hệ thống số 4 - Số nhà não hệ nhận thức

Trí tò mò mạnh mẽ hỗ trợ sự trưởng thành, và số nhà não hệ nhận thức sẽ giúp bạn làm điều đó. Con người tiếp nhận thông tin qua mắt và tai, còn bộ phận xử lý các thông tin đó là số nhà não hệ nhận thức. Trong cuộc sống hàng ngày, có nhiều lúc chúng ta không chỉ nghe và hiểu câu chuyện đơn thuần theo câu chữ, mà còn suy đoán: “chắc ý họ là như thế này”, những trường hợp như vậy cũng do số nhà não hệ nhận thức.

Nếu phát triển khả năng thấu hiểu đối phương qua nhiều tình huống, chúng ta sẽ có thể lý giải sự vật, sự việc sâu sắc hơn, tiềm năng được mở rộng hơn. Tuy nhiên, nếu xét từ góc độ khoa học não bộ, việc chỉ có thể lý giải trong phạm vi trải nghiệm của bản thân là một điều thiệt thòi và có thể tự mình thu hẹp phạm vi ứng dụng.

Hệ thống số 5 - Số nhà não hệ vận động

Đây là số nhà não phát triển sớm nhất trong số các nhà não. Khi ta rèn luyện số nhà não vận động sẽ ngay lập tức tạo ra nhiều ảnh hưởng tới các số nhà não khác. Nếu muốn phát triển toàn diện các số nhà não thì trước hết hãy bắt đầu với việc rèn luyện số nhà não hệ vận động.

Hệ thống số 6 - Số nhà não hệ thính giác

Số nhà não hệ thính giác phát triển bởi ham muốn bản năng ngay khi ra đời. Được chia thành số nhà dùng để nghe hiểu ngôn ngữ (bên não trái) và số nhà dùng để chú ý tới các âm thanh khác (bên não phải). Việc trò chuyện kích thích não ngay từ giai đoạn trẻ còn chưa nhận thức được ngôn ngữ đã khơi gợi những năng lực chưa được khai phá. Thực chất rèn nghe chính là khởi nguồn của việc rèn luyện số nhà não.

Kato Toshinori cũng cho rằng, không phải ngay từ đầu các tế bào đã phát huy khả năng, mà qua việc tiếp nhận thông tin bên ngoài, những tế bào năng lực tiềm ẩn mới bắt đầu phát triển và tạo liên kết với các tế bào khác để xử lý thông tin đó. Để khơi gợi năng lực của những tế bào tiềm ẩn, suy nghĩ chủ động “muốn làm” là yếu tố cần thiết. Chính vì các em bé sơ sinh tuy mới chào đời nhưng về bàn năng, cũng muốn “hiểu được ngôn ngữ” nên số nhà não hệ thính giác mới phát triển mạnh mẽ.

Hệ thống số 7 - Số nhà não hệ thị giác

Đây là số nhà não phụ trách quan sát, nắm bắt cử động, đánh giá chất lượng. Số nhà não thị giác nằm ngay thuỳ chẩm, được nối bằng thần kinh thị giác phát triển từ ngay phía sau hai mắt (khu vực tiếp xúc với gối khi bạn nằm ngửa trên giường). Số nhà não hệ thị giác bên não trái chủ yếu giúp đọc chữ; và bên não phải thuộc hệ phi ngôn ngữ, được sử dụng khi nhìn hình ảnh. Hầu hết những người có thành tích xuất sắc trong trường học là người hệ ngôn ngữ.

Số nhà não hệ thị giác được chia làm ba nhóm:

  • Nhóm quan sát;
  • Nhóm nắm bắt cử động;
  • Nhóm đánh giá chất lượng những vật nhìn được (nhìn ra được sự vật và phân biệt được sự vật đó “tốt” hay “xấu” rất nhanh chóng).

Hệ thống số 8 - Số nhà não hệ trí nhớ

Ở phần trung tâm của não có một cơ quan gọi là hồi hải mã, đóng vai trò quan trọng trong củng cố trí nhớ, nằm ở cả hai bên não trái và não phải. Nằm xung quanh hồi hải mã chính là số nhà não hệ trí nhớ. Phía não trái phụ trách ghi nhớ ngôn ngữ; phía não phải phụ trách ghi nhớ phi ngôn ngữ.

Có hai loại: trí nhớ kiến thức và trí nhờ cảm xúc. Trí nhớ kiến thức liên quan mật thiết tới số nhà não hệ tư duy; trí nhớ cảm xúc liên quan tới số nhà não hệ cảm xúc, mỗi loại có quá trình hình thành trí nhớ hơi khác nhau.

Đặc biệt, nếu chỉ đơn thuần tăng cường trí nhớ thì cũng không thể rèn luyện được số nhà não hệ trí nhớ. Bởi số nhà não hệ trí nhớ chỉ được kích thích khi kiến thức và cảm xúc gắn kết với nhau. Để rèn luyện số nhà não trí nhớ thì chúng mình cần liên kết số nhà não tư duy với số nhà não cảm xúc, nếu không thì sẽ “xôi hỏng bỏng không”.

Xem thêm video về Tip để rèn não tư duy sáng tạo mà không đau đầu, mệt mỏi tại kênh Youtube của Core Content nhé.
💡
Để tương tác với người viết, mời bạn comment trực tiếp ngay bên dưới hoặc email về hộp thư: corecontent.net@gmail.com